Nhiều chuyên gia, người tiêu dùng (NTD) không đồng tình và cho rằng chưa hợp lý, bởi vấn đề chi cho lĩnh vực này chưa minh bạch.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa |
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có những chia sẻ xung quanh đề xuất này, cũng như việc điều chỉnh quản lý giá xăng dầu trên thị trường để tăng nguồn thu cho ngân sách.
Nên công khai việc chi
Quan điểm của ông như thế nào về đề xuất áp thuế môi trường kịch trần đối với xăng dầu ở mức cao nhất là 8.000 đồng/lít?
- Đóng thuế BVMT bên cạnh chuyện nghĩa vụ, người dân cũng cần phải biết thuế đó có được sử dụng đúng mục đích hay không. Theo tôi, hiện nay vẫn đang có rất nhiều nguồn chi cho BVMT, không chỉ riêng đối với xăng dầu mà có ở rất nhiều nguồn khác từ ngân sách, đặc biệt nguồn tài trợ của nước ngoài, nguồn vốn vay của Chính phủ. Tức là nguồn chi cho môi trường rất lớn. Tuy nhiên, các nguồn tài trợ, vốn vay nước ngoài để bảo vệ và xử lý môi trường có thể đã không được chi một cách minh bạch, dẫn đến việc người dân nghi ngờ, thắc mắc. Vì thế, nếu thu thuế môi trường xăng dầu chỉ nên sử dụng để kiểm soát môi trường do xăng dầu gây ra. Nếu còn thiếu thì lấy từ nguồn khác do ngân sách chi thêm, hoặc lấy từ nguồn tài trợ của nước ngoài, hay những nguồn vay thêm để xử lý. Đầu vào của nền kinh tế như xăng dầu phải có giá hợp lý thì mới hỗ trợ nền kinh tế.
Chính vì thế, tôi muốn nhấn mạnh, khi khoản tiền đấy không được minh bạch thì người dân thắc mắc là hoàn toàn hợp lý.
Nếu áp dụng mức thuế lúc này sẽ như thế nào, thưa ông?
- Khi lộ trình giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng theo các cam kết quốc tế, trong đó có xăng dầu, DN và NTD vẫn đang hy vọng nhiều mặt hàng sẽ có giá theo đúng quy luật của thị trường, đảm bảo các yếu tố cạnh tranh ngay từ đầu vào để kích thích sản xuất, kinh doanh, từ đó gia tăng các nguồn thu thông qua hoạt động sản xuất và thị trường. Do đó, dù là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nhưng xăng dầu cũng là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành kinh tế. Việc đề xuất tăng thu thuế môi trường xăng dầu có thể giúp tăng thu ngân sách trong trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho nền kinh tế. Do đó, nếu áp dụng thì chưa hợp lý.
Đừng lấy lý do tăng thu ngân sách
Thực tế Nghị định 83/NĐ - CP về kinh doanh xăng dầu bộc lộ những bất cập, vậy theo ông, thời gian tới, Nghị định này nên sửa theo hướng như thế nào?
- Tôi cho rằng, điều kiện kinh doanh xăng dầu cần phải được nghiên cứu để bớt những quy định về kho, cầu cảng... Đặc biệt, cần tập trung hơn vào điều kiện kiểm soát chất lượng cháy nổ. Ngoài những định hướng về hạn ngạch tối thiểu cho DN thì phải hướng dẫn cụ thể hơn để các DN đa dạng hóa phương thức kinh doanh, phòng ngừa rủi ro... Thêm vào đó, công tác dự báo những biến động của thị trường xăng dầu thế giới phải có thiết chế, thể chế để sát hơn, chuẩn hơn, kết nối với các trung tâm dự báo khác. Còn vấn đề liên quan đến sửa giá cần sửa rất nhiều để làm sao vai trò của thị trường cân bằng với vai trò điều tiết của Nhà nước. Và tôi nhấn mạnh rằng, điều tiết bây giờ không mang tính hành chính nữa. Nhà nước nên bỏ quy định về khung tối đa được điều chỉnh hiện nay, bỏ điều hành về mức giá cụ thể. Nhà nước chỉ nên can thiệp khi thị trường bị sốc, còn đâu hãy để cho thị trường tự điều chỉnh.
Chu kỳ điều chỉnh giá cũng nên thu hẹp lại để tiến tới điều chỉnh giá bám sát với giá thị trường xăng dầu thế giới biến động hàng ngày. Trước mắt, chúng ta có thể lùi lại theo các phương thức kinh doanh xăng dầu như là 5:1:5 tức ra 15 ngày rút xuống 10 hay 2:1:2 tức là chỉ còn 5 ngày để nó có thể bám sát hơn với thực tế. Vì có những giai đoạn, giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm nhưng trong nước không những không giảm mà còn tăng. Đó là những ngày cuối của chu kỳ 15 ngày đang thực hiện hiện nay.
Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng phải xem xét lại. Có thể cải tiến việc trích Quỹ hiện nay bằng hình thức khi nào có lợi nhuận thì DN mới thực hiện việc trích Quỹ. Không nên lúc nào cũng trích một mức cố định, kể cả khi giá xăng dầu tăng hay giảm. Điều này đôi lúc khiến NTD cảm thấy không ổn. Thêm vào đó, DN tham gia vào bình ổn thị trường cũng phải góp sức cùng với NTD. Bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá, DN cũng phải chia sẻ phần kinh doanh kèm theo lợi ích nhất định cùng NTD. Việc bình ổn này được coi như bình ổn những mặt hàng bình thường thì càng có những kết nối bền chặt giữa người mua và người bán.
Vậy còn thuế bình quân gia quyền có nên sửa không, thưa ông?
- Theo tôi, cần phải sửa ngay, bởi loại thuế này không rơi vào ai cả. Ví dụ có 10 DN xăng dầu đầu mối nhập ở các thị trường khác nhau, hưởng mức thuế suất khác nhau. Mức bình quân có lợi cho DN nếu nhập được thị trường có giá thấp, nhưng lại thiệt cho DN nhập ở những thị trường có giá cao. Mặc dù DN luôn phải tính toán việc mua bán ra sao cho đảm bảo phần lợi nhuận phù hợp mức thuế thu nhập bình quân, nhưng chọn mức thuế thấp nhất sẽ không tạo được sức ép với DN. Cái đó mới là cái mong muốn để có lợi cho người tiêu dùng.
Đối với quan điểm nguồn thu ngân sách, tôi nhận định, ngay từ đầu vào, tức nguồn xăng dầu vào nền kinh tế phải làm sao để có mức giá hợp lý nhất, từ đó chuyển vào các ngành sản xuất, kinh doanh, vận tải… mới tạo được mức giá hợp lý cho nền kinh tế, cho phát triển sản xuất, thương mại. Và ở đầu ra có nhiều sản phẩm nền kinh tế phát triển ổn định, nguồn thu mới bền vững. Còn nếu thu luôn từ ngay đầu vào sẽ làm hạn chế tác dụng kích thích tăng trưởng của nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!
Theo lộ trình, việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nguồn thu ngân sách, bởi chênh lệch tỷ lệ thuế của xăng giữa 10 - 20% sẽ là con số rất lớn. Tuy nhiên, việc tăng thu thuế môi trường lên kịch trần là không phù hợp. Việc giảm thuế sẽ giúp giảm chi phí cho nhiều DN, từ đó Nhà nước sẽ thu được nhiều hơn từ hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN và thị trường. Ông Trương Đình Tuyển Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Tăng thuế, phí xăng dầu phải tính tới sự tác động nhiều mặt của mặt hàng này dưới góc độ đầu vào của các ngành sản xuất và thị trường. Làm thế nào để áp dụng lộ trình tăng lệ phí BVMT cùng với lộ trình thuế nhập khẩu về 0% nhưng vẫn đem lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế. Điều này phải được thể hiện ở ngay khâu nguyên liệu đầu vào, thể hiện ở ngay giá xăng dầu phải giảm, khi đó lợi ích sản xuất ra của cải vật chất sẽ tăng lên. PGS.TS Phạm Tất Thắng Nghiên cứu viên cao cấp - Bộ Công Thương |