Lễ hội được tổ chức tại đường số 8, phường 1, TP Cà Mau (Trung tâm Hội nghị tỉnh), quy tụ 85 gian hàng, trong đó có 32 gian hàng bánh dân gian, 15 gian hàng sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương, 14 gian hàng lưu niệm, 12 giang hàng ẩm thực…
Đa dạng sắc màu bánh dân gian tại lễ hội
Đặc biệt, có sự góp mặt của nghệ nhân Cô Ba Giang làm bánh tét Trà Cuôn, đặc sản trứ danh Trà Vinh; nghệ nhân Mười Thiết làm bánh phồng Sơn Đốc, đặc sản Bến Tre; nghệ nhân làm đặc sản bánh tráng Long An, bánh cống Kiên Giang…
Các nguyên liệu làm bánh đều có nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả đều là những thực phẩm hàng ngày của người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gắn liền với đặc trưng của cuộc sống dân gian vùng đất Nam Bộ từ thời cha ông khẩn hoang.
Trình bày bắt mắt
Tại lễ hội lần này, Ban giám khảo sẽ công tâm tuyển chọn 9 mâm bánh đẹp nhất, ngon nhất, đặc sắc nhất để dâng lên Vua Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch (10/4) tại Đền thờ Vua Hùng ở ấp Giao Khẩu, Xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động như: hội thi trình diễn áo bà ba, ẩm thực đường phố, giới thiệu trưng bày và mua bán sản phẩm OCOP…
Đa dạng sắc màu bánh dân gian tại lễ hội
Ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết: Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm nay khác với năm 2021 là do Sở tổ chức, năm nay sự kiện này do UBND TP Cà Mau chủ trì. Sở phối hợp thực hiện, theo dõi, tham mưu nhằm giúp địa phương thực hiện tốt hơn nhất là các hoạt động. Đặc biệt, năm nay không tổ chức thi biểu diễn thời trang, thay vào đó là cuộc thi duyên dáng áo bà ba. Hàng đêm có trình diễn không gian đờn ca tài tử và các biểu diễn nghệ thuật khác…
Lễ hội diễn ra đến ngày 12/4/2022 - Ảnh: Hoàng Quân