Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho biết, đêm 8, rạng sáng 9/10 những người yêu thích thiên văn trên thế giới trong đó có Việt Nam sẽ được chiêm ngưỡng trận mưa sao băng đầu tiên của tháng 10 mang tên Draconids.
“Đây là trận mưa sao băng nhỏ diễn ra từ khoảng 6-8/10 hằng năm. Năm 2018, mưa sao băng Draconids sẽ đạt cực đại vào đêm đêm 8, rạng sáng 9/10 với tần suất khoảng 10-20 vệt mỗi giờ", ông Sơn chia sẻ.
Đêm nay, người Việt có thể ngắm mưa sao băng lớn nhất năm.
Để quan sát mưa sao băng Draconid, ông Sơn cho rằng, người xem chỉ cần hướng mắt lên bầu trời nhưng để quan sát rõ hơn thì hãy hướng mắt về phía Bắc, nơi có chòm sao Draco (Thiên Long) đó sẽ là tâm điểm của trận mưa sao băng này.
Địa điểm quan sát tốt nhất là những nơi ít ánh đèn, ít ô nhiễm không khí, không bị che chắn, cản tầm nhìn như vùng ngoại thành hoặc khu vực nông thôn. Mưa sao băng có thể quan sát tốt bằng mắt thường và không cần đến bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào.
Theo ông Sơn, tại TP Hồ Chí Minh, việc quan sát mưa sao băng sẽ khó khăn hơn Hà Nội vì chòm sao nằm ở vị trí thấp hơn nếu đi về phía Nam, nhưng không đáng kể, vì vĩ độ của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cách nhau không quá xa.
Ngoài ra, Chủ tịch VACA cho biết thêm, đêm ngày 20, rạng sáng 21-10 sắp tới, những người yêu thiên văn sẽ tiếp tục có cơ hội chiêm ngưỡng một trong những trận mưa sao băng lớn nhất trong năm mang tên Orionid, với tần suất trung bình 20 vệt mỗi giờ.
Mưa sao băng Draconid (tên gọi bắt nguồn từ chòm sao Draco - Thiên Long) thường xuất hiện vào tháng 10 hàng năm. Hiện tượng mưa sao băng này được tạo ra khi sao chổi 21P/Giacobini-Zinner va quệt với vùng khí quyển trái đất tạo thành đá và bụi.
Draconid là một mưa sao băng nổi tiếng thất thường. Có năm nó chỉ "nhỏ giọt" với 10-20 ngôi sao băng mỗi giờ, có năm lại trút xuống như đại hồng thủy. Đỉnh điểm nhất là năm 1946 với 3.000-6.000 ngôi sao băng mỗi giờ.