Mức trợ cấp xã hội chỉ bằng 40% chuẩn nghèo nông thôn
Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tính đến 31/12/2018 cả nước có hơn 11,3 triệu người cao tuổi (chiếm 11,95% dân số), trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên, khoảng 5,7 triệu người cao tuổi nữ, khoảng 7,2 triệu người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn, người cao tuổi, người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo cao hơn bình quân chung cả nước.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại phiên giải trình |
Dân số Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa, theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 12,9% và năm 2050 là 23%.
Bên cạnh đó, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm khoảng 6,5% dân số), trong đó có 1,03 triệu người khiếm thị, 0,93 triệu người khiếm thính, 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 5,1 triệu người khuyết tật nhẹ.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho khoảng 1,7 triệu người cao tuổi, 1,1 triệu người khuyết tật, khoảng 20.000 người cao tuổi, người khuyết tật đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội với mức chuẩn trợ cấp xã hội tối thiểu là 270.000 đồng/người/tháng. Các đối tượng thuộc diện được trợ giúp xã hội đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi qua đời được hỗ trợ chi phí mai táng. Một số tỉnh có điều kiện kinh tế khá như Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hà Giang đã nâng mức trợ cấp xã hội cao hơn mức quy định của Chính phủ, mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội là người cao tuổi.
Bên cạnh đó, cả nước đã thành lập được 418 cơ sở trợ giúp xã hội (189 cơ sở công lập và 229 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 86 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 67 cơ sở chăm sóc người khuyết tật. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật với công suất phục vụ khoảng 20.000 đối tượng. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, lao động và dạy nghề, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa và chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng.
Tuy nhiên Bộ LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận đời sống người cao tuổi, người khuyết tật còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước. Mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật còn thấp, bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% chuẩn nghèo nông thôn. Số lượng người cao tuổi, người khuyết tật được chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít; cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng cho người khuyết tật, thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý...
Độ tuổi hưởng trợ cấp nên bắt đầu từ 75 tuổi?
Tại phiên giải trình về “Trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật” sáng nay, 6.8, do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban này, cho biết qua quá trình giám sát và tiếp xúc cử tri, gần như nơi nào cũng kiến nghị giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội từ 80 xuống 75 tuổi, thậm chí, có nơi đề nghị giảm xuống 70 tuổi.
Trước băn khoăn về độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, đây cũng là ý kiến đề xuất mà Bộ này nhận được rất nhiều trong thời gian qua.
“Trước đây chúng ta quy định người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội, sau đó quy định giảm độ tuổi người cao tuổi xuống còn 85 tuổi. Hiện nay, độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội được quy định cụ thể tại Nghị định số 06/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Người cao tuổi, nên độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội đã giảm xuống còn 80 tuổi. Muốn điều chỉnh hạ tiếp độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội, thì chắc chắn phải sửa luật”, ông Đào Ngọc Dung nói.
Đồng tình với việc cần xem xét giảm độ tuổi người cao tuổi xuống 75, ông Dung cho rằng, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay hoàn toàn có đủ cơ sở cho phép thực hiện. Tuy nhiên, do luật Người cao tuổi đến 2021 mới có kế hoạch sửa, nên cần phải tính toán để Quốc hội có Nghị quyết sửa gấp.
Cũng theo Bộ trưởng, Bộ LĐ-TB-XH sẽ nghiên cứu để trình Thủ tướng ban hành Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi và Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030, bao gồm các giải pháp để ứng phó với vấn đề già hóa dân số, phát huy vai trò của người cao tuổi theo hướng tạo điều kiện để người cao tuổi có khả năng lao động được tham gia cống hiến, sống vui, sống khỏe.
Theo Bộ trưởng, cần sớm nghiên cứu, ban hành Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi và Đề án người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 bao gồm các giải pháp để ứng phó với vấn đề già hóa dân số, phát huy vai trò của người cao tuổi theo hướng tạo điều kiện để người cao tuổi còn khả năng lao động được tham gia làm việc. “Đến thời gian nhất định, cũng cần nghiên cứu về vấn đề này. Điều này không chỉ khuyến khích những đối tượng khó khăn mà đôi khi còn là những chính sách động viên những người sống thọ. Thời gian tới, Bộ tiếp tục nghiên cứu, tính toán phương án hợp lý nhất”- Bộ trưởng cho biết.?