Nhà máy đầu tiên của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở ứng dụng công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành do kỹ sư Võ Tấn Dũng (Cần Thơ) sáng chế và ủy quyền Công ty cổ phần Cát Đá Việt Sàng Rửa Sạch lắp đặt, liên kết với Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Kim Thúy Lâm.
Theo đó, nhà máy này có công suất thiết kế tối đa 200 m3/giờ; ưu điểm cơ bản đáng chú ý của dây chuyền công nghệ này, đó là vận dụng áp lực va đập tách kết cấu tạm thời để rửa sạch muối, loại bỏ tạp chất hữu cơ, sàng lọc phân loại hạt,… để cho ra loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ nhu cầu bê tông, xây tô và sản xuất công nghiệp.
Dây chuyền chế biến cát biển thành cát xây dựng do kỹ sư Võ Tấn Dũng sáng chế.
Theo ông Võ Tấn Dũng, tác giả sáng chế công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành, việc chế biến thành công cát biển nhiễm mặn đạt tiêu chuẩn cát xây dựng sẽ góp phần tích cực để khắc phục cơn sốt cát xây dựng trên thị trường, đáp ứng yêu cầu tận dụng nguồn cát biển đưa vào phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình biển đảo, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật của quốc gia, phát huy lợi thế sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, giảm chi phí cát và vận chuyển cát trong đầu tư xây dựng công trình đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng công trình.
Tiến sỹ Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam, khẳng định nhà máy hoạt động sẽ tích cực giải quyết nhu cầu cát xây dựng cho các dự án đang triển khai rầm rộ tại đại công trường Phú Quốc, tiết kiệm chi phí vận chuyển cát sông ra đảo, góp phần tích cực giải quyết vấn nạn sạt lở do thiếu hụt trầm tích cho vùng ĐBSCL.
Trước khi nhà máy khánh thành đi vào hoạt động chính thức, đầu năm 2019, ông Dũng đã tiến hành lắp đặt máy và cho hoạt động thử nghiệm dưới sự thẩm định của các chuyên gia thuộc Viện Khoa học công nghệ và Viện Bê tông (Bộ Xây dựng). Kết quả cho thấy, nguồn cát nguyên khai ở vùng biển Phú Quốc khi đưa vào chế biến đã cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn cát xây dựng (theo TCVN 7570:2006).
Cụ thể, kết quả phân tích từ các phòng thí nghiệm cho thấy, cát nhiễm mặn nguyên khai tại vùng biển Phú Quốc có hàm lượng bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ lên đến 1,5%, trong đó, nhiều nhất là vỏ sò; hàm lượng ion clo (Cl-) là 0,38%.
Tuy nhiên, kết quả qua xử lý bằng công nghệ Phan Thành cho ra cát thành phẩm có hàm lượng tạp chất hữu cơ chỉ còn 0,2%; hàm lượng Cl- chỉ 0,009% và modul độ lớn của hạt đạt là 1.6.
Trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ thuật, ngày 22/1/2019, phân Viện chuyên ngành Bê tông thuộc Viện Khoa học công nghệ xây dựng đã có văn bản báo cáo chính thức và nhận xét, sau khi được lọc rửa bằng công nghệ Phan Thành, thì lượng bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ và hàm lượng Cl- đạt yêu cầu kỹ thuật sử dụng cho các loại bê tông và vữa theo yêu cầu kỹ thuật trong TCVN 7570:2006.
Trong Quyết định 126/QĐ-TTg ngày 25/01/2019 “Về việc phê duyệt đề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025”, Thủ tướng đã đề cập việc đầu tư cơ sở tuyển rửa, chế biến và sử dụng nguồn cát biển, cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng phục vụ nhu cầu xây dựng công trình ven biển và hải đảo; sản xuất phát triển các loại phụ gia sử dụng cát biển, nước biển nhằm thay thế cát xây dựng khai thác từ sông, suối, lòng sông.