Xét ở phương diện pháp luật, liệu người bố này có đang đi ngược lại với pháp luật hay không?
Theo dự định ban đầu, cặp vợ chồng trẻ mong muốn đặt tên cho con là Nguyễn Nhật Ánh với hi vọng con sẽ theo nghiệp viết lách. Tuy nhiên, đến khi đi đăng kí khai sinh, anh chồng bất ngờ thay đổi suy nghĩ, muốn con có một cái tên thật đáng nhớ, nên anh này quyết định đặt tên cho con là Nguyễn Cô Vy.
Tên của bé gái đã được người bố chọn và đi đăng kí khai sinh
Anh giải thích, vợ anh đẻ vào ngày mùng 4 Tết (15/2) đúng vào đợt Covid quay trở lại. Và một lý do nữa, ngày xưa các cụ đói nên đẻ con nhiều, bây giờ Covid nên làm bố mẹ ở nhà nhiều nên sinh ra bé.
Vậy, việc đặt tên con trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không? Chuyên viên tư vấn pháp luật của trang Tieudung.vn (Báo Kinh tế & Đô thị) xin thông tin đến các quý độc giả.
Pháp luật của nước ta có quy định về việc đặt tên con như sau:
Thứ nhất, “Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.” (khoản 3, Điều 26, BLDS 2015)
Thứ hai, “Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.” (Khoản 1, Điều 6, Thông tư 04/2020/TT-BTP)
Như vậy, tên của bé gái - Cô Vy là phù hợp với pháp luật: tên bằng chữ tiếng Việt, cái tên này cũng không quá dài hay khó sử dụng, đồng thời cái tên “Cô Vy” không có ý nghĩa thô tục làm ảnh hưởng xấu đến tập quán, truyền thống văn hóa của Việt Nam. “Cô Vy” chỉ là từ mang tính nhạy cảm tức thời trong thời điểm dịch bệnh Covid vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Giả sử, khi bé Cô Vy lớn lên và có mong muốn đổi tên thì có được không? Pháp luật Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền thay đổi tên của một người. Theo khoản 1 Điều 28 BLDS 2015 thì trường hợp cá nhân có yêu cầu bởi vì việc sử dụng tên (ví dụ như tên “Cô Vy”) có gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của của người đó. Hoặc do chính ba mẹ bé Cô Vy có mong muốn thay đổi tên cho con thì những người này có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên.
Theo luật Việt Nam, quyền có họ, tên được coi là quyền nhân thân của một cá nhân và không ai có thể phân biệt đối xử. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự theo khoản 1 Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015)
“Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.”
Có lẽ, việc đặt tên con là Cô Vy được ở hiện tại được cho là nhạy cảm và mang nhiều điều tiêu cực. Và hành động này của ông bố trẻ bị mỉa mai, chỉ trích khá nặng nề. Cũng bởi ai cũng lo lắng cho tương lai đứa trẻ này sẽ chịu nhiều thiệt thòi chỉ vì cái tên của mình. Thế nhưng, một cái tên không thể làm nên một số phận, tương lai của bé Cô Vy có được yêu thương hay không cũng phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa trong cuộc sống.