Vậy, dưới góc độ pháp luật, hành động này của người chồng là đúng hay sai?
Được biết, chị P.T.T.H (31 tuổi) kết hôn với anh Đ.N.H (32 tuổi) vào cuối năm 2019. Chị H là một giáo viên trong khi chồng chị là công nhân.
Theo thông tin hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội, chị H và anh H tổ chức đám cưới đã được 14 tháng. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì cả hai cặp đôi này xảy ra xung đột dẫn tới tan vỡ.
Nội dung biên bản bàn giao tiền cho chồng do chính tay người vợ viết.
Người chồng đã giữ giấy tờ tùy thân của người vợ và yêu cầu vợ mình phải trả lại hơn 42 triệu đồng bao gồm bao gồm 12 triệu tiền ăn trong vòng 14 tháng, tiền khám chữa bệnh phục vụ sinh sản, tiền đóng học của chị vợ, tiền mừng cưới của hai vợ chồng và một chỉ vàng mẹ chồng tặng.
Theo nhìn nhận dưới góc độ pháp lý của bộ phận tư vấn pháp luật Tieudung.vn (Báo Kinh tế & Đô thị), anh H có hành vi giữ giấy tờ cá nhân của vợ là không chính đáng, vi phạm pháp luật. Nếu sự việc trên thực tế có những dấu hiệu nghiêm trọng như là anh H có hành vi dùng vũ lực hay uy hiếp tinh thần người vợ ép buộc vợ phải đưa tiền mới trả giấy tờ cá nhân thì anh này có thể bị điều tra và truy tố hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017: "Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm."
Tuy nhiên, với những giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, giấy phép lấy xe,... thì chị H hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan Công an buộc người chồng đang chiếm giữ giấy tờ phải trả lại cho mình hoặc người vợ cũng có thể lấy lại giấy tờ bằng cách đến cơ quan công an nơi đã cấp giấy tờ tùy thân để làm thủ tục xin cấp lại giấy tờ tùy thân nếu đã mất.
Phân tích sâu hơn về những số tiền mà anh H đã yêu cầu vợ phải trả thì những khoản tiền ăn hằng tháng, tiền đóng học của chị H, tiền khám chữa bệnh phục vụ sinh sản theo luật được coi là khoản tiền phục vụ cho nhu cầu thiết yếu trong gia đình. Cụ thể, khoản 20 điều 3 Luật hôn nhân gia đình 2014 có quy định rõ: “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.”
Nếu trong trường hợp này, người chồng cho rằng trong thời kỳ hôn nhân, vì thu nhập của người vợ thấp nên các khoản chi trên hoàn toàn do một mình anh ta chu cấp cho người vợ thì anh này cũng không thể đòi lại được, bởi đây là nghĩa vụ của một người chồng phải thực hiện theo khoản 2 Điều 30 Luật hôn nhân gia đình 2014: “Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.”
Những tài sản hai vợ chồng được tặng cho chung trong ngày cưới như một chỉ vàng của mẹ chồng, tiền mừng cưới được coi là tài sản chung của hai vợ chồng theo khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình. Hai vợ chồng này xảy ra tranh chấp về tài sản chung thì các bên có thể giải quyết chia tài sản theo thoả thuận. Nếu thoả thuận không thành công, vợ hoặc chồng đều có quyền yêu cầu Toà án giải quyểt.
Theo pháp luật Việt Nam, câu chuyện giải quyết phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân cũng như sau hôn nhân đều ưu tiên và tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên. Câu chuyện trên được đăng tải khiến nhiều người không đồng tình với những hành động cũng như yêu cầu của người chồng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể đánh giá toàn bộ sự việc ở một phía mà khiến câu chuyện trên đi xa tầm kiểm soát.