Cần thêm nhiều bàn tay nhân ái
Hàng trăm người dân Lộc Tân tập trung tại Trụ sở UBND xã để được các bác sĩ khám bệnh, phát thuốc miễn phí. |
Ngay từ sớm Thứ 7, anh Bùi Xuân Quang, Bí thư xã cùng anh Nguyễn Văn Tùng- Chủ tịch xã Lộc Tân tất tả gọi điện đôn đốc bà con các tổ tập trung khám bệnh. Anh Quang phân bua với tôi: Mấy hôm rồi trên này mưa sụt sùi, sáng nay hy vọng trời nắng đẹp, nhưng vẫn có mưa, nên bà con tập trung sẽ bị muộn. Số lượng dự kiến cho các hộ dân khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, và quà tặng (mỗi phiếu 10 kg gạo, 1kg đường và 1 hộp sữa) kỳ này là 300 suất.
“Đoàn gồm hơn 10 người. Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Quốc Cường - Phó GĐ Viện Pasteur TP.HCM làm trưởng đoàn; Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Quang Ngọc - Chánh văn phòng Viện Pasteur TP.HCM làm phó đoàn; cùng các bác sĩ được bổ sung từ Bệnh viện 115, Bệnh viện 7A QK7…và Bệnh viện Bảo Lộc (Lâm Đồng),…cùng 500 cơ số thuốc trị giá cả trăm triệu đồng cùng nhiều sữa hộp, từ TP HCM lên huyện Bảo Lâm, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho người nghèo xã Lộc Tân. Ngoài ra, một số mạnh thường quân trong đoàn còn tặng người dân nghèo xã này 300kg đường cát trắng (do Công ty TNHH Quốc tế Cao Nguyên Xanh) , 3.000kg gạo (do chị Lê Kim Trang - Giám đốc Công ty VALLEY COFFEE cùng chồng là anh Truyền Nhật Duy tài trợ) và hàng trăm sữa hộp. Kể từ ngày “gắn bó với huyện Bảo Lâm, DN Thiên Lộc đã giúp dân khoan giếng lấy nước sinh hoạt; tặng trường học gần 20 bộ máy vi-tính; vận động, tổ chức nhiều Đoàn làm từ thiện; tặng quà trẻ em nghèo nhân dịp Tết Trung thu .v.v…”. |
Lộc Tân có 1670 hộ dân, với 6873 nhân khẩu, trong đó có 5.700 hộ là dân tộc ít người của 32 dân tộc anh em-chiếm tới gần 72% dân số, (có 22 hộ là gia đình chính sách, có công với nước), trong đó Châu Mạ chiếm 50%, còn lại là Tày, Nùng, Mường, Ch ro, K ho…đa số làm nông nghiệp, đời sống còn khó khăn vất vả.
Lần này Ban tổ chức chọn Trụ sở Hội trường của UBND xã làm địa điểm khám bệnh rộng rãi nên hoạt động khám bệnh, phát thuốc và tặng quà…của đoàn khá thuận tiện. 10 bác sỹ với 10 bàn làm việc được triển khai khẩn trương cùng 2 bàn đăng ký danh sách, bàn cấp giấy khám; khu vực cấp thuốc và phát quà có gần 10 người phụ trách. Cán bộ nhân viên của Công ty VALLEY COFFEE cũng tích cực tham gia phụ giúp phát quà. Các bàn khám bệnh do các TS, BS Hoàng Quốc Cường; TS, BS Trần Quang Ngọc; BS Đỗ Tiến Hậu cùng các cộng sự và các bác sỹ trẻ của Bệnh viện 115, 7A và Bảo Lộc ân cần thăm hỏi, kiểm ta sức khỏe, niềm nở hướng dẫn cách uống thuốc điều trị và phòng bệnh, đã khiến bà con tự tin, yên tâm… Sự phối hợp nhịp nhàng và chuyên nghiệp giữa các thầy thuốc của TP.HCM và Bệnh viện Bảo Lộc góp phần giúp “tiến độ khám” nhanh chóng và thuận tiện, được bà con hài lòng.
Các bác sĩ khám bệnh và phát thuốc cho người dân. |
Ông Lê Duy Bất, một CCB, 78 tuổi cùng vợ là người đến sớm nhất. Ông vui vẻ cho biết bị bệnh của tuổi già: Huyết áp cao và đau nhức xương khớp; sau khi được các BS khám kỹ và hướng dẫn sử dụng thuốc tôi thấy vui và yên tâm. Những người già, chủ yếu mắc bệnh huyết áp cao và đau yếu tay, chân: Bà Ka Brều, 80 tuổi, ở Thôn 2; ông Ka Tẹp, 78 tuổi; ông Ka Dai, 80 tuổi; ông Bùi Văn Hưn 78 tuổi (Cựu TNXP, quê ở Lạc Sơn, Hòa Bình); ông Phạm Văn Quỳ, 71 tuổi - CCB cùng ở Thôn 3 …còn các cháu bé chủ yếu bị viêm phế quản, cảm, ho…Một vài thanh niên bị chấn thương tay, chân do tai nạn giao thông hoặc bị chấn thương trong lúc làm rẫy gặp mưa trơn... Cụ bà Bùi Thị Phìn, dân tộc Mường vui vẻ kể: “2 lần trước được khám bác sỹ cho thuốc đỡ đau ngay. Lần này tôi rất vui vì chắc sẽ khỏi bệnh thôi!”. Bà K Để thì cho biết, thấy cán bộ thông báo, tôi thấy mình đang bị đau khớp gối, đau lưng nên xin được phiếu khám mừng lắm.
Các thầy thuốc trong đoàn cùng BTC chụp ảnh lưu niệm chuyến đi. |
Một “kỷ niệm” không vui
Trong khuôn khổ của chuyến khám chữa bệnh từ thiện này, câu chuyện buồn của một cựu binh làm tôi đau lòng.
Trong số người đến khám bệnh, tôi nhận ra Cụ bà Nguyễn Thị Thiệu, 80 tuổi. Đợt trước tôi gặp bà đi cùng chồng là Cụ ông Lê Văn Bé 81 tuổi, có khuôn mặt nhân từ - phúc hậu. Sau khi biết ông là cựu chiến binh (nhập ngũ 1951 tập kết 1954), 1962 ông xung phong trở lại chiến trường miền Đông Nam bộ - quê hương ông để chiến đấu, đến 1965 làm Chính trị viên đại đội 1, tiểu đoàn 14 Tây Ninh. Sau 30.4.1975, với chủ trương tăng cường cán bộ cho địa phương ông Bé được điều làm Tập đoàn trưởng Tập đoàn máy kéo tại Phú Túc, Định Quán (Đồng Nai). Năm 1965 ông bị thương mảnh M79 ở hông trái. Năm 1976 ông xuất ngũ với quân hàm Đại úy, về gia đình ở Đồng Nai. Năm 1976, một vụ hỏa hoạn thiêu rụi căn nhà, ông đã mất đứa con trai 5 tuổi cùng tài sản và toàn bộ giấy tờ, hồ sơ, trong đó có “cái giấy xuất ngũ”. Sau đau đớn ấy, dù ông đã xin xác nhận của những cán bộ có biết ông thời kỳ công tác nhưng được cho là “không hợp lệ” vì “thiếu cái giấy xuất ngũ ấy”. Nên dù có 24 năm liên tục công tác trong quân đội, lại là thương binh, nhưng ông vẫn không được hưởng chế độ như quy định.
Tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng bà Thiệu trong đợt về khám bệnh lần trước. |
Sau lần gặp cuối năm 2016, tôi đã liên hệ với Trung tướng “Tư Dỹ”- Chính ủy QK7, và được trả lời: “Tôi sẽ cho cơ quan chức năng làm nhanh nhất có thể”. Tôi đã thở phào nhẹ nhõm, vì mình vừa làm một việc có ý nghĩa... cho người cựu binh khốn khó này. Không ngờ mấy tháng sau đó, chưa thấy “kết quả” đâu? Thì tôi được tin con trai ông Bé báo tin: “Bố em đã mất rồi anh ơi!” Tôi thật bàng hoàng, không ngờ, lần vào Bệnh viện 115 thăm ông lúc đang chạy thận, lại là lần cuối gặp ông. Vậy mà, lúc đó tôi đã nắm chặt tay ông động viên: “Chú phải ráng lên cho chóng khỏe! Chính ủy QK 7 đã hứa rồi”??? Gặp lại bà Thiệu lần này, tôi rất xúc động, cảm thấy ân hận là mình đã là “người báo tin vui…hụt đến ông bà”? Gặp tôi lần này gương mạt bà trông hốc hác, khóe mắt đỏ hoe; tôi dìu bà xuống bậc tam cấp để đứa cháu chở về nhà, bà nói trong sụt sùi “cảm ơn chú”! Nhận lời cảm ơn từ bà, tôi không cảm thấy vui, mà cảm thấy như chồng thêm nợ. Tôi xin đưa tấm hình chụp chung với ông bà năm trước, như một nén tâm nhang, cầu mong cho linh hồn ông sớm siêu thoát về với ông bà tổ tiên!