Chiều 31/7, ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, nước lũ trên sông Bùi đang rút.
"Hiện nay nước sông Bùi đã rút được 10-20cm, mực nước chỉ còn ở trên mức báo động 3 khoảng từ 30-40cm. Nó vẫn đang có xu hướng xuống và chưa có khả năng dâng lên. Bên cạnh đó thì lượng mưa ở Hòa Bình cũng đã giảm. Toàn bộ hệ thống đê Tả Bùi tính đến thời điểm này về cơ bản là an toàn” ông Hùng nói.
Tính đến thời điểm hiện tại, nước lũ trên sông Bùi đang rút.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, huyện đều đã có các phương án chủ động ứng phó khi xảy ra mưa lớn khiến nước sông dâng cao trong những ngày tới.
“Chúng tôi đã có các phương án để đề phòng việc nước sông tiếp tục dâng cao. Với phương án đã chuẩn bị, nếu xảy ra mưa lớn, nước sông Bùi dâng lên cao khoảng 1m nữa vẫn đảm bảo được an toàn”, ông Hùng cho hay.
Tuy nhiên hiện các xã vùng trũng, thấp như Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến... mực nước vẫn đang cao, có nơi ngập sâu hơn 2m.
Theo người dân địa phương, trường hợp nước sông Bùi lên cao nước sẽ tràn vào nhiều khu vực huyện Chương Mỹ và các tỉnh lân cận: “Nhưng rất may tối qua không mưa nên nước sông rút… Nếu nước tiếp tục không rút thì cuộc sống của chúng tôi sẽ rất khó khăn, không những bệnh tật mà còn là câu chuyện kinh tế. Gần nửa tháng nay tôi không kiếm được đồng nào cả vì nước lũ vây ráp”, ông Hội, người dân xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ, cho biết.
Theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà, hiện huyện Chương Mỹ còn 2.700 nhà bị ngập. Tình trạng ngập úng còn tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày tới.
Nước lũ cũng làm hơn 1.900ha hoa màu, hơn 555 ha thủy sản bị ngập úng. Hiện TP Hà Nội đã di dời 5.167 người đến nơi an toàn.
Sáng cùng ngày, báo cáo về tình hình phòng chống mưa lũ tại huyện Chương Mỹ tại phiên họp giao ban UBND TP Hà Nội tháng 7/2018, Giám đốc sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết đến thời điểm này, mực nước sông Bùi đã ổn định, tuy nhiên nước xuống rất chậm.
Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp để khảo sát toàn bộ đê Hữu Bùi, Hữu Tích, đê bao, các xã của Quốc Oai, Thạch Thất nếu nước tiếp tục lên cao cần thiết có thể báo cáo UBND Thành phố phương án xả nguồn nước để giữ được đê Tả Tích, Tả Bùi; Phối hợp bảo đảm cứu trợ cho đời sống người dân.
Theo đại diện Sở NN&PTNT TP Hà Nội, sau khi nước rút, cơ quan chức năng sẽ cho xử lý sự cố tràn đê bởi khi lũ tràn qua mái đê sạt lở bảo đảm an toàn cho đê; xử lý công trình khẩn cấp trên tuyến đê sông Hồng; tập trung đánh giá thiệt hại và khắc phục hậu quả.
Sở cũng hướng dẫn các huyện đánh giá thiệt hại do các đợt mưa gây ra; tập trung khắc phục sản xuất, hướng dẫn khắc phục lúa cấy bị mất do ngập, giải pháp chăm sóc cây; xử lý môi trường các khu vực bị ngập.
Về công tác phòng chống dịch bệnh trong khu vực bị ngập lụt, Giám đốc sở Y tế TP Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở Y tế đã cử đoàn công tác cùng với Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ, Trung tâm Y tế dự phòng, bệnh viện Da liễu, bệnh viện Mắt Hà Đông để tổ chức kiểm tra sẵn sàng ứng phó, phòng ngừa dịch bệnh trong mùa lũ.
Sở cũng hướng dẫn các huyện đánh giá thiệt hại do các đợt mưa gây ra; tập trung khắc phục sản xuất, hướng dẫn khắc phục lúa cấy bị mất do ngập, giải pháp chăm sóc cây; xử lý môi trường các khu vực bị ngập.
Toàn bộ hệ thống đê Tả Bùi tính đến thời điểm này về cơ bản là an toàn.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, mặc dù thành phố đã chủ động ứng phó nhưng do lượng mưa lớn nên ngập úng vẫn xảy ra. Trong thời gian tới, các giải pháp để người dân sống chung với lũ như hệ thống cấp nước, nhà cửa, hạ tầng đi lại sẽ được thành phố quan tâm hơn.
Các đơn vị đôn đốc cung cấp nước sạch cho người dân, tuyên truyền để bảo đảm an toàn cho người dân khi lưu thông đi lại. Khi nước rút, Sở Y tế chủ trì, giao Trung tâm Y tế dự phòng thành phố chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, cùng nhân dân tổ chức vệ sinh môi trường sạch sẽ, không để bùng phát dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm.
Sở Giáo dục và đào tạo chuẩn bị mọi điều kiện, đôn đốc các trường chuẩn bị cho việc khai giảng năm học mới, sẵn sàng đón học sinh nhập học.
Theo Trung Tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện nay (31/7), rãnh tây bắc-đông nam duy trì có trục đi qua khu vực Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của rãnh tây bắc-đông nam có trục đi qua khu vực Bắc Bộ, trong đêm nay và sáng mai (1/8) ở các tỉnh Bắc Bộ còn có mưa, mưa vừa và rải rác có dông; riêng khu Đông Bắc và vùng núi phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.