Còn chưa đầy 2 tuần nữa là Tết, chị Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) - nhân viên một công ty công nghệ nhận được đặt hàng hơn 50kg miến dong, hơn 30kg măng khô và nhiều mặt hàng đặc sản khác từ các đồng nghiệp. Năm nay, chị trở thành "bà chủ" của quầy hàng Tết ở công ty với một số sản vật quê hương. Nhân viên công ty chị Hương cùng nhau tổ chức hội chợ để trao đổi mua bán những mặt hàng cần thiết cho dịp Tết.
"Tôi bán các món đặc sản Cao Bằng và một số đồ nhập khẩu từ Nga. Một số anh chị em khác thì bán những đặc sản vùng miền khác như giò me Nghệ An, gà đồi Yên Thế, lạp sườn Cao Bằng, giò lụa, các loại hoa quả, mứt tết từ hàng handmade do gia đình làm hoặc tự nuôi trồng cho đến những món hàng nhập khẩu từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Âu....", chị Hương chia sẻ.
Chị Hương đóng gói mặt hàng Tết để giao cho những đồng nghiệp, bạn bè. Ảnh: PV |
Theo "tiểu thương" này, từ năm ngoái, một số cá nhân trong công ty bắt đầu bán các mặt hàng đặc sản vào dịp Tết. Năm nay, phong trào này trở nên sôi động hơn với hàng chục mặt hàng được rao bán từ đặc sản vùng miền cho đến những thực phẩm thiết yếu hay các món độc, lạ, hàng nhập khẩu, đồ trang trí nhà cửa... Công ty chị có gần hơn 200 người, chủ yếu là các chị em nên đã thống nhất sẽ tổ chức một buổi hội chợ với các mặt hàng trực tiếp được bày bán.
"Chỉ cần 'đi chợ' ở văn phòng thôi cũng có thể mua đủ những mặt hàng cần thiết cho mấy ngày Tết, vừa tiện lợi, vừa đảm bảo và cùng nhau gia tăng thu nhập", chị Hương chia sẻ.
Công ty chị Hoa (Ba Đình) có khoảng chục "bà chủ" của những mặt hàng kinh doanh Tết. Năm nay, chị cũng góp vui với một số mặt hàng bánh kẹo ngoại, thịt hun khói nhập khẩu do có nguồn từ người nhà ở Đông Âu chuyển về. Để bán hàng, đầu tháng Chạp chị có mang một số món đến công ty cho các "khách hàng" ăn thử rồi mời đặt hàng. Các chị em trong công ty cũng dự kiến sẽ tổ chức hội chợ Tết vào ngày 23 tháng Chạp.
Không ít nhân viên văn phòng dù bận rộn với công việc cuối năm cũng trở thành "dân buôn" những mặt hàng Tết nhằm gia tăng thu nhập. Khách hàng chủ yếu của họ là đồng nghiệp, người thân, bạn bè và hình thức rao bán chính là thông qua mạng xã hội.
Dù bận rộn với công việc cuối năm song nhiều nhân viên văn phòng vẫn nhập hoặc tự làm một số mặt hàng Tết để bán nhằm kiếm thêm thu nhập. |
Anh Chính, đang làm việc tại một ngân hàng cho hay nhập đào và một số loại hoa, bonsai về để bán Tết. Khách hàng của anh đa phần là đồng nghiệp, bạn bè, người quen. "Ông chủ" này bắt đầu rao bán các mặt hàng của mình túc tắc trên mạng xã hội từ giữa tháng 11 Âm lịch để gom đơn và nhập hàng về trong tháng Chạp.
"Khách hàng của tôi chủ yếu là những người thân quen, bạn bè. Tuy số người đặt không lớn nhưng tôi sẽ không phải lo mặt bằng để bán hoặc kho chứa hàng. Khoảng từ Rằm tháng Chạp là hàng về và tôi mang đi giao cho khách. Mỗi sản phẩm lãi vài ba trăm nghìn nhưng mỗi dịp Tết cũng có thêm vài triệu đồng", anh Chính cho hay.
Theo dân kinh doanh, hình thức bán hàng như này tuy số lượng đơn hàng không chịu nhiều áp lực bởi thường hàng nhập về không bị tồn kho, vốn không nhiều và nhanh thu hồi. Người bán cũng không mất chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên...
Bên cạnh đó, theo chị Hương, bên cạnh việc bán trong công ty, văn phòng nơi mình làm việc, nhiều người còn có thể mở rộng tập khách hàng thông qua mạng xã hội, những group bán hàng trên mạng xã hội. Khoảng 2 phần 3 số đơn hàng của chị là thông qua nguồn này.
Trước trào lưu dân văn phòng bán hàng Tết, nhiều dân buôn chuyên nghiệp cũng tìm cách tiếp cận thị trường này thông qua những người thân quen hoặc khách hàng thân thiết. Mức giá bán cho nhóm khách hàng này chiết khấu khoảng 5-7% so với giá bán lẻ, tùy từng loại sản phẩm.
"Chúng tôi xây dựng khoảng 15 cộng tác viên bán hàng Tết là dân công sở. Họ bán hàng khá tốt bởi chủ yếu bán cho đồng nghiệp, người quen nên số đơn hàng đều. Người bán khi đó cũng không phải bỏ vốn, cứ có đơn hàng là gọi chúng tôi chuyển đến", chị Trang, chủ một cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu cho hay.
Chị Trang cho hay, chưa năm nào phong trào bán hàng Tết lại nở rộ như năm nay, khi số người sử dụng mạng xã hội ngày càng phát triển. Do đó, để cạnh tranh với những đối thủ "nghiệp dư" là dân văn phòng, việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên là một phương án đôi bên cùng có lợi.