Nông dân lo chống rét cho cây trồng, vật nuôi
Rét đậm đang ảnh hưởng khá nhiều đến sản xuất của người nông dân. Thời điểm cận Tết Giáp Thìn 2024, những vựa rau củ lớn nhất của Hà Nội tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức), xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), bà con nông dân tất bật xuống đồng thu hái rau củ đi tiêu thụ.
Rau vụ Đông 2023 - 2024 đang vào lứa thu hoạch. Ảnh: Tùng Nguyễn
Anh Kiều Duy Hồng ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) cho biết, gia đình canh tác 3 sào rau củ các loại. “Thời tiết giá rét cũng khiến một phần diện tích rau của gia đình bị vàng lá. Tuy nhiên bù lại, giá rau lại đang khá cao, bình quân gấp 2 - 3 lần giai đoạn thời tiết nồm, nóng cách đây ít tuần” - anh Hồng nói thêm.
Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Tiền Lệ (xã Tiền Yên) Nguyễn Văn Hào cho biết, hiện nay hợp tác xã có 500 hộ thanh viên tham gia trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 33,5ha. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng cho thị trường Hà Nội từ 12 - 14 tấn rau củ các loại. Trước tình hình thời tiết lạnh giá, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư nhà màng, nhà lưới để hạn chế yếu tố thời tiết tác động đến cây trồng.
Tại vùng sản xuất nông nghiệp lớn khác của Hà Nội là xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), màng che phủ nilon được bà con sử dụng để bảo vệ rau củ trước thời tiết giá rét và mưa phùn. Giám đốc Hợp tác xã tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua chia sẻ, đây đang là thời điểm các loại rau vụ Đông vào lứa thu hoạch. Khi nhiệt độ quá thấp kèm mưa nhiều cũng sẽ làm giảm năng suất và chất lượng của rau màu. Bà con cũng gặp khó khăn khi vào vụ mới.
“Hiện, hợp tác xã vẫn bảo đảm cung ứng khoảng 300 tấn rau củ các loại mỗi ngày cho thị trường Hà Nội, ngay cả trước, trong và sau dịp Tết Giáp Thìn 2024” - ông Đua cho biết thêm.
Còn đối với những trang trại chăn nuôi khép kín, các hợp tác xã cũng chủ động bảo vệ đàn vật nuôi. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long cho hay, hiện chuồng trại của hợp tác xã đã được xây dựng với quy mô tập trung, khép kín. Những ngày nhiệt độ giảm dưới 15oC, hợp tác xã luôn vận hành hệ thống điện thắp sáng 24/24 giờ để sưởi ấm cho đàn lợn nái và lợn giống...
Vật lộn mưu sinh dưới thời tiết lạnh giá
Những ngày qua, nhiệt độ xuống dưới 10oC, nhiều người chạy xe ôm vẫn làm việc tất bật khi Tết cận kề. Găng tay, khăn bịt mặt, áo giữ nhiệt là những vật dụng không thể thiếu của những tài xế khi thời tiết giá rét. Trong lúc chưa có khách, nhiều tài xế phải đốt củi để giữ ấm trong buổi sáng khi thời tiết chỉ khoảng 9oC. Thậm chí nhiều người còn "mặc" túi nilon cho găng tay để tránh rét.
Một bữa trưa của Tổ sản xuất số 2, Chi nhánh Cầu Diễn trong ngày giá rét. Ảnh: Công Trình
Ông Hoàng Cẩn Thế (Văn Miếu, Đống Đa) chia sẻ, trời lạnh, nhiều người bắt xe ôm nên số lượng đặt xe cũng có nhỉnh hơn. "Vào những ngày lạnh như thế này, tâm lý nhiều người đi làm ngại đi xe máy nên thu nhập của chúng tôi cũng nhỉnh hơn những ngày trời mát" – ông Thế nói.
Tại khu chợ lao động cầu Định Công (phường Định Công, quận Hoàng Mai), nhiều lao động tự do cũng phải lao mình giữa trời lạnh giá để kiếm thêm thu nhập, lo toan cho một cái Tết đầm ấm của gia đình. Co ro bên đống lửa mới được đốt lên tại đầu phố Nguyễn Cảnh Dị (đoạn giáp cầu Định Công), anh Nguyễn Văn Tính (người Thái Bình) chia sẻ: “Trời lạnh khiến nhiều gia đình có nhu cầu dọn dẹp nhà cửa dịp cuối năm… lười đụng tay, đụng chân. Song, để có việc làm, chúng tôi phải có mặt tại đây từ lúc tờ mờ sáng cho đến tối mịt. Và trong khoảng thời gian này, chúng tôi phải tìm mọi cách để giữ ấm cơ thể, bảo vệ sức khỏe.
Bất chấp cái giá rét thấu da, thấu thịt, những công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang âm thầm, kiên trì chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết để hoàn thành nhiệm vụ. Ông Nguyễn Văn Sơn - Tổ trưởng Tổ sản xuất số 2, Chi nhánh Cầu Diễn, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - đơn vị chịu trách nhiệm duy trì vệ sinh môi trường trên tuyến Đại lộ Thăng Long chia sẻ, từ khi thời tiết Hà Nội chuyển rét đậm, rét hại… mọi sinh hoạt hằng ngày của công nhân vệ sinh môi trường bị đảo lộn.
“Thời tiết trở lạnh khiến các công nhân phải mặc thêm nhiều áo ấm, thậm chí phải mặc thêm áo mưa để chống lạnh trong suốt quá trình duy trì vệ sinh môi trường. Việc phải “đắp” thêm lên mình các loại trang phục khiến những công nhân vệ sinh môi trường khó cử động. Nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm, nhiệm vụ của mình và cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao” – ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.
Gia tăng bệnh nhân nhập viện do rét đậm
Thời tiết đang trong những ngày rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân khiến lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng nhanh, đặc biệt là bệnh nhi, người cao tuổi.
Ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai trong những ngày trời rét đậm, bệnh nhân nhập viện cấp cứu tăng cao, chủ yếu là ở nhóm đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền, cá biệt còn khá nhiều người trẻ mắc đột quỵ.
Một bữa trưa của Tổ sản xuất số 2, Chi nhánh Cầu Diễn trong ngày giá rét. Ảnh: Công Trình
Tại Trung tâm Y khoa, Bệnh viện Bạch Mai, số lượng trẻ thăm khám, nhập viện điều trị trong những ngày rét đậm, rét hại tăng hơn so với trước đó khoảng 20%. Nhiều bệnh nhi do bố mẹ chủ quan nên khi nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, thậm chí rất nặng, sốt cao, co giật.
Vào những ngày trời lạnh, dễ bị hạ thân nhiệt khiến tim phải làm việc nhiều hơn để giữ ấm. Điều này làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim ở những người vốn đã có sẵn yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, hút thuốc lá. Do đó, người dân cần giữ ấm cơ thể, không được để nhiễm lạnh đột ngột, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Bác sĩ Phùng Đình Thọ – Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai
Chỉ với triệu chứng ho, sốt nhẹ, bệnh nhi 3 tháng tuổi (Nam Định) phải nhập viện đã biến chứng suy hô hấp, phải thở oxy do mắc virus RSV hợp bào hô hấp. Thời điểm lạnh là điều kiện thuận lợi cho virus RSV phát triển. Bà Đỗ Thị Thu (Nam Định – người nhà bệnh nhi) cho hay: “Cuối tuần qua, khi đang ngồi chơi, tôi thấy cháu có triệu chứng không thở được. Sau khi được các bác sĩ thăm khám, đo nồng độ oxy, tôi mới biết nồng độ oxy của cháu bị hạ”.
Bác sĩ Đỗ Hoàng Hải – Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở khoa Hồi sức tích cực đều là những trường hợp nhiễm virus gây viêm phổi nặng. Một số trường hợp có thể gia đình không theo dõi sát để con ở nhà dẫn đến tình trạng bệnh nhi bị viêm phổi nặng, suy hô hấp và phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu.
Còn tại Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân nhập viện mỗi ngày lên tới hơn 50 người. Thời tiết lạnh sâu khiến lượng bệnh nhân cấp cứu vì biến chứng do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) gia tăng đột biến tại Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Trung bình, Trung tâm tiếp nhận 20 - 30 ca/ngày, trong đó 10% phải thở máy. Tương tự, gia tăng bệnh nhân cũng là tình trạng chung tại tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô như Đức Giang, Hà Đông, Xanh Pôn…
Thời gian này, các cơ sở y tế cũng tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp (viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi). Theo ghi nhận, mỗi ngày, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận từ 20 - 25 bệnh nhi tới khám và điều trị các bệnh về đường hô hấp.
Cũng tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, tại Khoa Thần kinh, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 3 - 5 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 (hay liệt miệng, méo miệng), trong đó có cả người già và người trẻ. Có đến 70 - 80% nguyên nhân gây ra tình trạng này là do chủ quan, không giữ ấm cơ thể khi giá lạnh.
Để giảm thiểu tác hại của thời tiết, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế trang bị đèn sưởi, điều hòa cho các phòng cấp cứu, phòng đẻ, phòng có trẻ sơ sinh, người cao tuổi và một số phòng đặc biệt, để giúp giữ ấm cho người bệnh; trang bị thêm chăn ấm cho những phòng chưa có điều hòa và đèn sưởi.