Mất tiền vì những cuộc gọi giả danh “Bộ Công an”…
Chị Tr. (52 tuổi ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) là quản lý một công ty xuất nhập khẩu tại khu công nghiệp Amata nhận được cuộc điện thoại xưng là thanh tra của Sở Y tế tỉnh, thông báo chị có liên quan đến việc mua, bán kit test giả, vụ án đang được điều tra yêu cầu chị Tr. nộp 20 triệu vào tài khoản của chính mình nếu không muốn cơ quan Công an báo cáo vụ việc đến công ty nơi chị làm việc và để chứng minh mình không liên quan vụ án.
Do thường xuyên tiếp xúc với các thông tin trên báo chí, mạng xã hội biết đây là thủ đoạn lừa đảo nên chị cảnh giác “Anh cứ gửi giấy mời tôi sẽ lên trụ sở làm việc theo yêu cầu”. Do thái độ dứt khoát nên chị không thấy đối tượng gọi lại và cũng không nhận được giấy mời nào của cơ quan chức năng.
Tương tự, chị N. Q (ngụ huyện Vĩnh Cửu) vừa tốt nghiệp phổ thông trung học đang ở nhà giúp mẹ. Anh L. (bố cháu Q) có mảnh vườn trồng bưởi khá rộng nên bạn hàng các nơi đặt bưởi anh chị thường xuyên đi ngân hàng để chuyển và rút tiền mỗi khi cần. Để tiện và nhanh chóng trong việc chuyển, nhận thông tin qua điện thoại thông minh nên anh chị đăng ký tài khoản ngân hàng tải app về điện thoại và giao cháu N. Q quản lý.
Ngày 17/8, cháu N.Q nhận được cuộc gọi xưng là cán bộ Công an điều tra vụ án thông báo cháu Q. có liên quan đến việc điều khiển xe máy quá tốc độ gây tai nạn rồi bỏ trốn được camera hành trình của người dân ghi lại. Đặc biệt đối tượng nêu đúng thông tin cá nhân họ tên cháu Q., địa chỉ nhà, biển số xe, trường lớp cháu theo học…
Đối tượng yêu cầu cháu Q. cung cấp các giấy tờ có liên quan như thẻ học sinh, căn cước công dân, giấy tờ xe... Cháu Q. khẳng định người gây tại nạn không phải là mình. Nhưng đối tượng liên tục dùng lời lẽ hăm dọa, gây áp lực tâm lý, yêu cầu phải có mặt tại trụ sở Công an để làm việc… Sau đó, đối tượng lại dùng lời lẽ nhẹ nhàng, để dụ dỗ như: do thấy cháu còn là học sinh, nói chuyện lễ phép, ngoan hiền… nên cho cơ hội để chứng minh sự trong sạch và không cần phải lên trụ sở Công an làm việc.
Muốn vậy phải chuyển tiền vào tài khoản của mình để chứng minh sự trong sạch thì sẽ được bỏ qua không truy cứu. Do hoang mang lo sợ bị bắt giữ và nghĩ là nộp tiền vào tài khoản của chính mình thì sẽ không sao nên cháu Q đã tin tưởng và làm theo yêu cầu.
Tiếp đến, lấy lý do “nhằm bảo mật thông tin tài khoản, bảo vệ các nạn nhân bởi các đối tượng lừa đảo”, đối tượng yêu cầu cháu Q. tải và cài đặt ứng dụng mạo danh Bộ Công an, ứng dụng này có hình ảnh hiển thị là Công an hiệu và mang tên “Bộ Công an”. Do nhầm tưởng là thật, cháu đã chuyển số tiền 80 triệu đồng từ tiền bán bưởi của gia đình vào tài khoản của mình. Chiều cùng ngày do cha mẹ cần tiền nên cháu ra ngân hàng rút mới biết số tiền trong tài khoản mình nộp vào lúc sáng đã không còn.
Các đối tượng dùng thủ đoạn yêu cầu nạn nhân tải và cài đặt ứng dụng mạo danh phần mềm do Bộ Công an cung cấp có hình ảnh hiển thị là Công an hiệu và mang tên “Bộ Công an” để tạo lòng tin.
Cảnh giác việc chuyển tiền để chứng minh sự trong sạch
Lấy lý do “nhằm bảo mật thông tin tài khoản, bảo vệ các nạn nhân bởi các đối tượng lừa đảo”, đối tượng yêu cầu nạn nhân tải và cài đặt ứng dụng mạo danh Bộ Công an, ứng dụng này có hình ảnh hiển thị là Công an hiệu và mang tên “Bộ Công an”. Sau khi nạn nhân cài đặt App mang tên “Bộ Công an” nói trên, theo hướng dẫn của các đối tượng, nạn nhân sẽ phải điền thêm các trường thông tin hiển thị trên App giả mạo này như: tên đăng nhập, mật khẩu, tài khoản ngân hàng, họ tên, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân...
Các thông tin này sẽ được chuyển về máy chủ do các đối tượng quản lý. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được phần mềm gián điệp kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Các tin nhắn chứa mã OTP, các cuộc điện thoại xác nhận của ngân hàng đều bị phần mềm gián điệp chuyển trực tiếp cho các đối tượng. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc các đối tượng rút tiền của chủ thẻ mà nạn nhân không nhận ra.
Cần cảnh giác khi nhận các cuộc gọi tự xưng là cán bộ Nhà nước, cơ quan Công an để thông báo yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại.
Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết, mọi người cần nâng cao cảnh giác tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống, không cài đặt các phần mềm ứng dụng từ các nguồn không chính thống. Cần cảnh giác khi nhận các cuộc gọi tự xưng là cán bộ Nhà nước, cơ quan Công an để thông báo yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại.
Nếu thấy có dấu hiệu lừa đảo báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất. Theo Thông tư số 01/2006/TT-BCA của Bộ Công an nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Do vậy, việc triệu tập qua tin nhắn, qua việc gọi điện thoại hoặc thông qua người khác đều trái với các quy định của pháp luật.