Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, cùng với việc diễn ra nhiều sự kiện lớn như kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động, dự kiến nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Do đó, để chủ động đáp ứng lượng hành khách tăng đột biến, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã xây dựng kế hoạch phục vụ chi tiết và tăng cường phương tiện, nhân sự để đảm bảo hoạt động vận hành thông suốt.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo đó, trung bình mỗi ngày tại sân bay có khoảng 740 chuyến bay đi và đến, tăng khoảng 10% so với lịch bay hiện tại, tập trung tăng nhiều tại các đường bay nội địa.
Tổng số hành khách dự kiến trong dịp cao điểm lễ 30/4 - 1/5 khoảng 122.000 khách/ngày (nội địa 72.000 khách, quốc tế 50.000 khách), tăng khoảng 9% so với lượng khách hiện tại (112.000 khách/ngày). Riêng hai ngày cao điểm nhất 2/5 và 4/5, dự kiến mỗi ngày sân bay đón 126.000 khách.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Hồ Minh Tấn chỉ đạo các hãng hàng không chủ động rà soát kế hoạch khai thác, kiểm soát chặt lịch bay và tuân thủ slot đã được xác nhận, yêu cầu giảm đến mức thấp nhất tình trạng chậm, hủy chuyến, nhất là trong các khung giờ cao điểm.
Trong trường hợp bắt buộc phải thay đổi giờ bay, các hãng hàng không phải cập nhật kế hoạch sớm cho Cảng Tân Sơn Nhất để phối hợp phục vụ và thông báo kịp thời đến hành khách, tránh để khách đến sân bay mới biết lịch thay đổi gây bức xúc.
Các hãng cũng được yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ pháp lý theo điều lệ vận chuyển về quyền lợi hành khách khi xảy ra chậm, hủy chuyến. Mọi phản ánh từ hành khách, người dân cần được tiếp nhận, xử lý nhanh chóng, cầu thị.
Cục Hàng không yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì và thực hiện nghiêm biện pháp tăng cường kiểm soát an ninh hàng không đến hết ngày 4/5/2025. Sân bay Tân Sơn Nhất cần phối hợp chặt với các hãng hàng không, đơn vị dịch vụ mặt đất đảm bảo chất lượng phục vụ.
Đặc biệt, Tân Sơn Nhất phải chủ trì cập nhật thông tin khai thác vào hệ thống SMIS, ACDM, phối hợp chặt với Vietjet Air. Đồng thời, rà soát, vận hành đúng quy trình tại khu bay, tránh các sự cố va chạm phương tiện, và bố trí xe buýt vận chuyển hành khách giữa Nhà ga T3 và T1 trong sân đỗ.
Với Vietnam Airlines, Cục Hàng không yêu cầu hãng bố trí nhân sự hướng dẫn hành khách làm thủ tục tại Nhà ga T3, đặc biệt trong giờ cao điểm. Hãng phải cung cấp thông tin rõ ràng khi hành khách mua vé và làm thủ tục để tránh ùn tắc ở khu vực soi chiếu, boarding.
Với Vietjet, nhà chức trách hàng không yêu cầu rà soát toàn bộ dây chuyền mặt đất tự phục vụ để phát hiện nguyên nhân, có biện pháp khắc phục triệt để. Hãng cần bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện chờ phục vụ tại sân đỗ, đảm bảo sẵn sàng phục vụ khi máy bay đến. Các thông báo tới hành khách phải chính xác, kịp thời. Ngoài ra, Vietjet cần phối hợp với các đơn vị liên quan để bố trí điểm tiếp nhiên liệu hợp lý cho phương tiện mặt đất, và tăng cường các biện pháp đảm bảo bay đúng giờ.
Hãng cũng cần có kế hoạch dự phòng máy bay nhằm hạn chế tối đa tình trạng chậm, hủy chuyến dây chuyền, đồng thời phối hợp cập nhật hệ thống, đấu nối vào SMIS và ACDM nhằm đảm bảo đồng bộ dữ liệu.
Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam tăng cường giám sát hoạt động vận chuyển, đặc biệt với Vietjet, nhằm đảm bảo hãng thực hiện đầy đủ trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi hành khách. Trường hợp phát hiện vi phạm, cần xử lý nghiêm, đồng thời báo cáo kịp thời khó khăn và đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng khai thác.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng đã dẫn đầu đoàn kiểm tra thực tế tình hình phục vụ hành khách dịp Lễ 30/4, 1/5 tại hai sân bay Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng ngay trước ngày cao điểm.