Như đã thông tin, chiều 23/4, Đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông xác nhận, đến thời điểm này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã đủ chứng cứ để chứng minh hành vi của cơ sở bà Loan vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm theo quy định tại điều 317 của Bộ Luật Hình sự.
Qua đó, cơ quan Công an tỉnh Đắk Nông bắt khẩn cấp 5 đối tượng có liên quan trong vụ cà phê trộn pin Con Ó, gồm: Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, trú thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp), Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985, trú xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp, chồng bà Loan), Phan Thị Dung (SN 1962, khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, Bình Phước), Lê Thị Hồng Thơ (SN 1979, thôn 5, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, Đắk Nông, làm nghề kinh doanh) và Trần Văn Tuấn (SN 1976, thôn 2, xã Nâm N’Jang).
Bà Loan đã bán số lượng lớn hỗn hợp ngâm pin cho cơ sở kinh doanh hồ tiêu ở Bình Phước.
Chiều 26/4, UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục tổ chức họp báo lần thứ 2 để thông tin kết quả bước đầu vụ trộn phế phẩm cà phê nhuộm dung dịch pin Con Ó tại cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, ngụ thôn 13, xã Đăk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông).
Ông Ngô Xuân Lộc - Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông và đại tá Lê Vinh Quy - Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông đồng chủ trì buổi họp báo.
Đại tá Lê Vinh Quy cho biết, qua đấu tranh khai thác, các đối tượng đã có lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra.
Bước đầu đối tượng Nguyễn Thị Thanh Loan khai nhận, cơ sở thu mua nông sản do Loan làm chủ (ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) hoạt động từ năm 2016, có giấy đăng ký kinh doanh thu mua nông sản. Loan thừa nhận, sử dụng vỏ cà phê, sỏi đá nhỏ và pin trộn lại với nhau để tạo ra sản phẩm bán kiếm lời. Quy trình nhuộm đen này do Loan tự nghĩ ra.
Về mục đích, đối tượng Loan khai nhận việc pha chế ra hỗn hợp này để bán cho Lê Thị Hồng Thơ và thuê Trần Văn Tuấn lái xe vận chuyển sản phẩm. Thơ và Tuấn mua hỗn hợp trên để bán lại cho Phan Thị Dung (giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung, trú khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước), để Dung trộn vào hạt hồ tiêu.
Đối tượng Nguyễn Xuân Bảo (chồng Loan) khai, mua vỏ cà phê, đất, sỏi đá, pin để nhuộm đen sau đó sấy khô, đóng bao để tại cơ sở. Công suất mỗi mẻ là 2 tấn/lần sấy. Với mỗi tấn sản phẩm sử dụng hết khoảng 1 thùng pin con ó loại 36 cặp, với giá 450 ngàn đồng. Cơ sở bán được 3 tấn sản phẩm với giá 3.000đ/kg.
Công an trưng bày mẫu vật thu được tại cơ sở bà Loan và bà Dung.
Bảo cũng khai, bán sản phẩm trên cho Phan Thị Dung để trộn vào hạt hồ tiêu. Do vậy, Bảo đã cố gắng làm cho hỗn hợp này có màu sắc và kích thước như hạt hồ tiêu bình thường.
Sau đó, bà Loan bán hỗn hợp trên cho bà Lê Thị Hồng Thơ và Trần Văn Tuấn với giá 9.000 đồng/kg. Sau khi mua hỗn hợp trên từ bà Loan, Thơ và Tuấn bán lại hỗn hợp trên cho bà Phan Thị Dung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Thảo Dung (ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) với giá 12.000 đồng/kg. Sau khi mua, Dung chỉ đạo cho nhóm bốc vác trộn vào hồ tiêu hạt khô với tỷ lệ từ 2-3% nhằm tăng trọng lượng. Dung đã bán loại hồ tiêu có chứa tạp chất này theo hợp đồng cho các doanh nghiệp để xuất khẩu.
Tại kho nông sản của Dung ở huyện Lộc Ninh, cơ quan điều tra đã phát hiện và thu giữ 9 tấn hạt tiêu khô được trộn hỗn hợp mua từ cơ sở Loan, Bảo đóng trong 360 bao chuẩn bị xuất bán theo hợp đồng cho một công ty.
Ngoài ra, với 1.350kg hợp chất còn lại, khi nghe thông tin cơ quan công an phát hiện, bà Dung đã cho người trộn với phân heo, phân lân, vôi để tiêu hủy vật chứng này. chứng cứ số sản phẩm này. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã thu mẫu các sản phẩm trên gửi Viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định.
Tại buổi họp báo cũng giới thiệu các mẫu tang vật trong quá trình sản xuất pha trộn. Theo đó than pin được đập ra hòa vào nước thành dung dịch than pin, sau đó nhuộm với sỏi, đá nhỏ (từ 0,5 đến 3mm), vỏ cà phê cho thành màu đen giống hạt tiêu. Tiếp đó, phơi, sấy khô hỗn hợp này rồi bán, trộn vào hồ tiêu.
Hiện, vụ việc đang được điều tra làm rõ.