Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, Bộ và cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ý thức được trách nhiệm trước nhân dân và xã hội về việc nhanh chóng xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng này để sớm báo cáo Chính phủ, công bố trước nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc (Ảnh: Bộ KH&CN) |
Với tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành như hải dương học, địa chấn thủy văn, động lực học dòng chảy, hóa học, sinh học, bệnh học, sinh thái… Thứ trưởng Tạc cho rằng, việc xác định nguyên nhân cá chết là một vấn đề lớn, đặt ra yêu cầu tiếp cận, xử lý bài bản, khoa học, khách quan, chặt chẽ và đúng pháp luật.
Ông Tạc cho biết thêm: Đến nay đã xác định đó là sự cố môi trường trên diện rộng mà việc giải quyết về mặt khoa học vừa đỏi hỏi huy động liên ngành, vừa yêu cầu tính chuyên sâu cao. Đó là chưa nói đến yêu cầu phân tích hồi tố về điều kiện thực địa ban đầu.
Căn cứ vào diễn biến kết quả thu được của các nhóm nghiên cứu, Bộ KH&CN đã xác định đây là sự cố môi trường trên diện rộng và các kết quả phân tích cho thấy đã đủ căn cứ khoa học để loại trừ hầu hết các nhóm nguyên nhân tự nhiên từ địa chấn, sốc nhiệt, dịch bệnh...
Như vậy, đến nay đã đủ cơ sở để khẳng định nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt là do độc tố học và tảo độc.
Cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung là do độc học và tảo độc |
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đang nỗ lực cùng với Hội đồng chuyên gia KH&CN và các Bộ, ngành liên quan để đưa ra kết luận cuối cùng sớm nhất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhân dân.