Trước đó, vào khoảng 3 giờ sáng 9/5 tại khu Lạch Dù (nơi có khoảng 60 hộ nuôi cá lồng bè) đã xảy ra hiện tượng cá chết của bảy hộ nuôi gần bờ, có rạn san hô vây quanh, nước tù. Riêng cá tự nhiên vẫn bình thường. Theo thống kê bước đầu, có khoảng hai tấn cá mú cọp thành phẩm (0,5-1 kg) chết; cá mú cọp cỡ nhỏ dưới 0,5 kg/con: 2.500 con; cá mú nghệ (từ 0,7 đến 0,8 kg/con): khoảng 130 con; cá gáy 60 kg; cá bớp (từ 0,9 kg đến 1,5 kg/con) khoảng 370 con. Thiệt hại ước tính hơn 1 tỉ đồng trong đó hộ ông Võ Liễn thiệt hại nặng nhất chiếm 90%, các hộ còn lại thiệt hại không đáng kể.
Cá chết ở đảo Phú Quý ngày 9/5 (Ảnh: VOV) |
Thời điểm cá chết xảy ra các hộ nuôi không có người canh trực để xử lý sục ôxy kịp thời. Hiện các hộ nuôi đã di dời lồng bè ra khu vực biển sâu hơn và từ ngày 10-5 đến nay hiện tượng cá chết không còn xảy ra.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nắng nóng, một số loại tảo bị chết, phân hủy làm nước thiếu ôxy, gây tanh hôi và đục. Trong khi khu vực bảy hộ nuôi nói trên không có luồng nước chảy vào đúng thời điểm rong tảo chết khiến cá nuôi trong vùng nước tù bị thiếu ôxy và chết.
Trước tình hình nắng nóng kéo dài có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường nước vùng nuôi, để hạn chết thấp nhất hiện tượng cá chết, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng thông báo ngay kết quả kiểm tra cho người dân biết. Hướng dẫn người nuôi cá trang bị đầy đủ thiết bị xử lý môi trường khi có sự cố xảy ra, bố trí người trực 24/24 giờ; kịp thời thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện có dấu hiệu bất thường về môi trường và cá nuôi để xử lý kịp thời.