Theo đó, TAND huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước ngày 19/12/2017 đã ban hành quyết định số 01/2017/QĐ-BPKCTT do thẩm phán Nguyễn Nguyên Hoàng ký để Hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ADBPKCTT) số 01/2017/QĐ-BPKCTT ngày 21/02/2017, mà trước đó cũng chính thẩm phán Hoàng ký nhằm thay đổi quyết định ADBPKCTT số 05/2015/QĐ-BPKCTT ngày 31/12/2015 do thẩm phán này ban hành khiến nhiều người dân bị thiệt hại trong thời gian dài.
Dùng vũ lực đoạt cao su để… trừ nợ!
Năm 2008, Công ty TNHH TM-XNK tổng hợp & dịch vụ Hùng Nhơn (Công ty Hùng Nhơn - PV), do ông Vũ Mạnh Hùng (SN 1974, giám đốc) xin được dự án thuê đất rừng với diện tích hơn 425 ha, để trồng cao su tại tiểu khu 391 thuộc Ban Quản lý rừng kinh tế (BQLRKT) Tân Lập (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Do không đủ năng lực tài chính nên ông Hùng đã “xẻ” dự án để ký hợp đồng đầu tư dự án trồng cao su (ĐTDATCS) với nhiều người trên đất rừng thuê. Trong số người ký hợp đồng ĐTDATCS với Công ty Hùng Nhơn, có ông Phan Minh Anh Ngọc (SN 1951, ngụ TP.HCM, đầu tư diện tích 40 ha); ông Tô Quang Tùng (10 ha); ông Võ Quân (6 ha)…
Ông Hùng (giắt súng sau lưng). |
Theo hợp đồng, Vũ Mạnh Hùng phải có trách nhiệm: Đo đất, cắm cọc bê tông ngoài thực địa rồi giao cho những nhà đầu tư khai hoang trồng cao su vào năm 2009. Ông Hùng còn phải chịu trách nhiệm tách sổ làm quyền sử dụng đất, phải giao sổ này vào năm 2010 cho đối tác của mình. Đối với những người đầu tư, có trách nhiệm góp 100% vốn khai hoang và được hưởng thành quả 100% hoa lợi trên đất.
Năm 2015, cây cao su bắt đầu cho mủ. Ông Ngọc ký “biên bản giao việc” cho ông Nguyễn Văn Viễn (SN 1968, ngụ huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) để ông Viễn được quyền quản lý, bảo vệ, chăm sóc, thu hoạch mủ cao su của 40 ha nêu trên kể từ ngày 18/10/2015, thời gian thu hoạch mủ là 3 năm. Ngay sau khi có hợp đồng, ông Viễn thuê nhân công vào vườn của ông Ngọc cạo mủ, lúc này ông Hùng tổ chức người ngăn cản. “Không những vậy, khi người của tôi đang cạo mủ, ông Hùng còn thuê giang hồ đuổi đánh, thậm chí ông ta còn nổ súng để trấn áp chúng tôi nên tôi báo chính quyền địa phương. Đến tháng 11/2015, ông Hùng tiếp tục cho người vào vườn cao su tôi đang quản lý để hủy hoại tài sản, cắt hết 40.000 kiềng máng, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Tôi yêu cầu ông Hùng chứng minh tài sản trên là của Công ty Hùng Nhơn, nhưng Hùng không chứng minh được nên tôi đã gửi đơn tố cáo ra Công an huyện Đồng Phú”, ông Viễn thuật lại.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Hùng Nhơn thuê giang hồ vào đoạt vườn cao su đã cho thu hoạch mủ của ông Ngọc nhằm.. cấn nợ! |
Về nguyên nhân vì sao ông Hùng thuê giang hồ vào đánh nhau, trấn áp và chiếm tài sản là cây cao su? Ông Viễn cho biết: “Do ông Ngọc có nợ Hùng một số tiền. Vụ nợ đó, ông Hùng đã kiện ra tòa ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên việc nào ra việc đó, ông Hùng không thể tùy tiện, bất chấp luật pháp, dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản người khác”.
Đơn kiện gian dối?
Trong lúc vụ việc đang lình xình, ngày 21/12/2015, ông Hùng gửi đơn kiện ông Ngọc và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan (ông Viễn, ông Tạ Đức Quyn - PV) ra tòa Đồng Phú. Trong đơn kiện ông Hùng gian dối cho rằng năm 2009, khi thuê 425 ha, trên đất đã có cao su và Công ty Hùng Nhơn quản lý, sử dụng, khai thác mủ từ năm 2009!
“Nội dung đơn kiện của ông Vũ Mạnh Hùng không đúng sự thật khi cho rằng Nhà nước cho thuê đất vào năm 2009 đã có cây cao su trên đất, đã giao cho Công ty Hùng Nhơn khai thác mủ cao su. Trong khi năm 2009, đất này là đất rừng đã được thể hiện trong giấy CNQSDĐ, chưa cày ủi, chưa trồng cao su thì làm gì có mủ để cạo? Ngày 23/12/2015, thẩm phán Nguyễn Nguyên Hoàng đã ban hành thông báo 158/TB-TLVA thụ lý đơn kiện của ông Hùng về “Tranh chấp tài sản gắn liền với đất”. Để từ đó ra quyết định ADBPKCTT gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi”, ông Viễn bức xúc nói.
Quyết định “Hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời” ngày 19/12/2017 của thẩm phán Hoàng đồng nghĩa Công ty Hùng Nhơn buộc trả vườn cao su 40 ha cho chính chủ. |
Ngày 28/12/2015, ông Ngọc cùng ông Viễn, ông Quân tới tòa để trình ý kiến theo thông báo số 158, ghi rõ diện tích đất ông Hùng khởi kiện là đất rừng của Nhà nước cho thuê, và Hùng đã ký hợp đồng ĐTDATCS với nhiều người. Thế nhưng, vào ngày 31/12/2015, thẩm phán Hoàng vẫn “tốc hành” ra quyết định ADBPKCTT số 05/2015/QĐ-BPKCTT, nội dung: “Tạm giao cho Công ty Hùng Nhơn quản lý, bảo vệ, chăm sóc vườn cao su diện tích 400.607,4 m2 (40 ha của ông Ngọc – PV), trên đất có trồng 32.000 cây cao su (gồm 29.000 cây trồng năm 2009 và 3.000 cây trồng năm 2010). Trong thời gian tòa đang giải quyết vụ án, Công ty Hùng Nhơn không được chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp hoặc có các hành vi làm giảm giá trị sử dụng của tài sản gắn liền (cây cao su) với quyền sử dụng đất”.
Ngay sau khi có quyết định số 05 nêu trên, những người ký hợp đồng đầu tư gửi đơn khiếu nại, tố cáo thẩm phán Hoàng lên các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết! Đến ngày 21/02/2017, thẩm phán Hoàng ra quyết định ADBPKCTT số 01/2017/QĐ-BPKCTT nhằm thay thế quyết định số 05/2015/QĐ-BPKCTT ngày 31/12/2015, nhưng vẫn không thay đổi bản chất là vẫn phong tỏa vườn cao su của ông Ngọc, vẫn giao cho Công ty Hùng Nhơn quản lý, chăm sóc, thu hoạch, bán mủ cao su!
Trước những thiệt hại kéo dài, ông Nguyễn Văn Viễn (đã được ủy quyền đại diện hợp pháp - PV) và ông Võ Quân (người đầu tư - PV) gửi đơn tố cáo ông Vũ Mạnh Hùng đến Bộ Công an và TAND Tối cao. Đến ngày 19/12/2017, thẩm phán Nguyễn Nguyên Hoàng ban hành quyết định “Hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời” nêu trên. Điều này đồng nghĩa vườn cao su diện tích 40 ha đã cho thu hoạch mủ phải trả lại cho chính chủ là ông Phan Minh Anh Ngọc và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.