Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà, cùng đại diện các sở, ban, ngành TP.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh Phạm Hùng. |
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học, năm qua, Ban và hệ thống tuyên giáo TP đã tham mưu giúp cấp ủy triển khai thực hiện hiệu quả công tác tư tưởng, tuyên giáo; chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo được nâng lên. Kết quả một số lĩnh vực được cấp ủy các cấp ghi nhận: Triển khai học tập quán triệt nghị quyết; sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của T.Ư và Thành ủy; chủ động tích cực tham mưu triển khai các đề án, chuyên đề cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ TP, các chương trình công tác của Thành ủy và nghị quyết đại hội các cấp; triển khai hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII)…
Đáng chú ý, Ban đã tham mưu triển khai, tuyên truyền tốt Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4/7/2017 “Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP”; xây dựng Hướng dẫn thông tin tuyên truyền giải quyết các vụ việc phức tạp, “điểm nóng” ở cơ sở.
Để thực hiện tốt 13 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm nay, Ban đề nghị Thường trực Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc quan tâm nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo, đảm bảo cán bộ đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu công việc, triển khai các nhiệm vụ cụ thể.
Hiện mô hình, hoạt động của hệ thống tuyên giáo cấp xã, phường còn nhiều bất cập, nên lãnh đạo Ban đề nghị Thường trực Thành ủy cho phép triển khai một số nội dung thí điểm nâng cao chất lượng tuyên giáo cấp này. Để thực hiện tốt Nghị quyết 39-NQ/TƯ, Ban cũng đề nghị Thường trực Thành ủy quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ lãnh đạo cấp phòng của Ban tiếp tục được luân chuyển, bố trí vị trí mới phù hợp chuyên môn, để cán bộ trẻ có cơ hội cọ sát thực tiễn, trưởng thành hơn.
Đặc biệt, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định: Năm nay, các địa bàn xã, phường, thị trấn sẽ là khu vực được đặc biệt quan tâm trong công tác tuyên giáo; Ban cũng sẽ quan tâm hơn việc định hướng hoạt động sinh hoạt chi bộ cho 30 quận, huyện. Về sự phối hợp công tác tuyên giáo, theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND TP cần chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện chủ động hơn trong cung cấp thông tin cho báo chí; với những vấn đề phức tạp, Ban có thể phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức giao ban báo chí đột xuất.
|
Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu - Ảnh: Phạm Hùng. |
Lắng nghe ý kiến từ Ban Tuyên giáo Thành ủy, HĐND TP, UBND TP, các sở, ngành tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Tuyên giáo là nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, và Ban Tuyên giáo Thành ủy là cơ quan tham mưu quan trọng của Thành ủy trong công tác này, góp phần đạt được các mục tiêu của Đảng.
Năm 2017, Hà Nội đạt được kết quả toàn diện trong công tác xây dựng Đảng, phát triển KT-XH, trong đó chất lượng công tác tham mưu của Ban Tuyên giáo Thành ủy đối với Thường trực-Ban Thường vụ Thành ủy có tiến bộ rõ rệt. Năm 2017 cũng là năm đầu tiên TP triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức có chuyển biến nhưng vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”, việc triển khai chưa trở thành phong trào rộng lớn, có những nơi còn tính hình thức; trong hoàn cảnh đó, Ban đã cố gắng tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, tạo đồng thuận trong giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc.
Nhiệt liệt biểu dương kết quả Ban Tuyên giáo Thành ủy và cán bộ tuyên giáo các cấp TP đạt được thời gian qua, đồng tình với những kiến nghị của Ban và giao các Ban Đảng của Thành ủy, sở, ngành phối hợp giải quyết, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Ban nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục. Trong bối cảnh năm 2018 và những năm tiếp theo phải hội nhập sâu rộng hơn, thế giới có nhiều biến động chính trị, kinh tế, đồng chí cho rằng, nhiệm vụ công tác tuyên giáo ngày càng nặng nề, đòi hỏi nâng cao trình độ cán bộ tuyên giáo, nắm vững về luật pháp, chế độ chính sách và rèn luyện cả về cách thức giải thích, vận động người dân.
Đặc biệt, theo Bí thư Thành ủy, năm 2018 Hà Nội sẽ tổng kết 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, TP chọn là năm “nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị”, chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, nên từng cơ quan phải xây dựng kế hoạch cụ thể. Trong đó, các cán bộ tuyên giáo cần nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của công tác tuyên giáo, trau dồi đạo đức, năng lực trình độ.
Ban Tuyên giáo Thành ủy cần xây dựng các giải pháp cụ thể để chủ động, sáng tạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đề ra; tăng cường dự báo tình hình, nắm bắt các vấn đề bức thiết trong cuộc sống để định hướng tư tưởng chính trị, dư luận xã hội; tạo quyết tâm chính trị, đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô, đất nước. Nhất là cần thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI, XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và tập trung vào Chương trình 04 của Thành ủy. Trong đó, về xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, 2 bộ quy tắc ứng xử mà TP ban hành, cần cụ thể hóa các nhiệm vụ đến từng người dân, khu dân cư; không để phong trào này chỉ ở cấp TP, mang tính hình thức mà cần căn cơ hơn, thực sự đi vào lòng dân, vào nếp văn hóa của người dân.
Bí thư Thành ủy chụp hình lưu niệm cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy - Ảnh: Phạm Hùng. |
Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị cán bộ tuyên giáo TP nắm chắc tâm tư nguyện vọng, bức xúc của người dân để giải quyết, trong đó ngoài giao ban dư luận hàng tuần, cần phối hợp với cơ sở tốt hơn để tổng hợp, phân loại thông tin và phân công nhiệm vụ giải quyết; với những vấn đề lớn hơn thì mời Hội đồng Lý luận T.Ư cùng giải quyết. Đặc biệt, “cần nghiên cứu hình thành sơ đồ mạng lưới dư luận, để biết các vấn đề dư luận xuất phát từ đâu, xác định bao nhiêu ngày thì có người có trách nhiệm giải quyết, đâu là cấp đôn đốc giải quyết… Có những vấn đề chỉ nảy sinh ở một khu dân cư, có những vấn đề của toàn TP, nên cần phân cấp các dư luận xã hội đó; với từng loại dư luận bức xúc thì phân công trách nhiệm, thời hạn và người xử lý cụ thể. Với những thông tin nhạy cảm, cần có sự tham gia và phân công cụ thể nhiều cơ quan trong việc trả lời, đáp ứng nguyện vọng người dân”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Ngoài ra, đồng chí đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền không chỉ về gương người tốt, việc tốt mà phải phê phán cả cái xấu, những hành động chưa thanh lịch văn minh... Hiện có rất nhiều nguồn thông tin đa dạng, công tác tuyên giáo cần làm cho người dân biết đâu là thông tin đúng đắn, nên đòi hỏi nhiều trí tuệ trong phương pháp tuyên truyền, thuyết phục người dân; nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, người đứng đầu; công tác đào tạo gắn với nhu cầu cụ thể, để có những cán bộ tuyên giáo chuyên nghiệp.