Loạn những số đo
Khu tập thể 116 Trần Quốc Toản, quận 3, TP.HCM (Khu tập thể 116 TQT) gồm 47 căn hộ, được ông Nguyễn Quang Lâm, Phó trưởng Ban Tài chính – Quản trị Trung ương Đảng ký bàn giao cho UBND TP.HCM quản lý tại quyết định số 165QĐ/BTCQTTW từ 24/10/2006.
Ông Nhuyễn Xuân Minh gửi đơn khiếu nại khắp nơi đòi quyền lợi chính đáng của mình |
Sau khi tiếp quản, TP.HCM đã tiến hành giám định công trình. Ngày 28/11/2008, Hội đồng bán nhà TP.HCM ký văn bản (số 1283/HĐBNƠ.TP) báo cáo UBND TP.HCM về hiện trạng khu tập thể có 59 hộ, gồm 2 khối nhà. Trong đó, khối A gồm 19 căn là nhà liên kế cấp 2, 4 căn đầu hồi là nhà chung cư. Khối B là nhà chung cư, có 52 hộ đã được cấp Giấy chứng nhận (sổ hồng), 7 hộ không đủ điều kiện mua nhà theo Nghị định 61/CP ngày 5/7/1994.
Theo phản ánh của người dân sống tại khu tập thể 116 TQT, khu nhà phố liên kế cấp 2 thuộc diện được bán hóa giá theo Nghị định 61/CP. Tuy nhiên, kể từ khi được mua hóa giá nhà theo Nghị định trên thì nhiều hộ gặp phải tình huống “dở khóc dở cười” khi mua nhà nhưng không được mua cầu thang, mặc dù cầu thang được thiết kế sẵn có nằm trong nhà của mỗi căn.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Minh (chủ căn nhà số 116/12A Trần Quốc Toản) phản ánh, căn nhà của gia đình ông là nhà liên kế một trệt một lầu, diện tích xây dựng là 37,2 m2, diện tích sàn xây dựng là 76,88 m2 theo đúng giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng TP.HCM cấp năm 1992, ông ở trong căn nhà này từ khi xây xong cho đến năm 2006 thì được mua theo Nghị định 61/CP. Cho tới nay, căn nhà của ông không thay đổi hình dạng, kết cấu, nhưng cứ mỗi lần cán bộ địa phương xuống đo vẽ lại cho ra một diện tích khác nhau.
Để dẫn chứng những bất cập trên, ông Minh cho chúng tôi xem các biên bản đo vẽ của các cơ quan chức năng. Cụ thể, ngày 22/8/2006, Công ty Dịch vụ công ích Quận 3 lập bản vẽ hiện trạng thì diện tích xây dựng nhà ông là 37,2 m2 nhưng diện tích sử dụng chỉ còn 69,58 m2 và hiện trạng giữa 2 căn nhà số 116/12A và số 116/13A là bức tường chung.
Tiếp đó, năm 2008, gia đình ông được UBND quận 3 cấp sổ hồng thì lại phân ra thành các loại diện tích khác nhau, như: diện tích sàn là 69,58 m2; diện tích sử dụng riêng là 37,2 m2; diện tích sử dụng là 33,35 m2.
Ngày 28/10/2010, tổ công tác liên ngành của Sở Xây dựng TP.HCM chủ trì xuống đo vẽ lại thì diện tích nhà ông Minh lại cho ra con số “tổng diện tích sử dụng là 71,04 m2”. Phần diện tích một nửa cái ban công (1,37m2), gầm cầu thang (1,09m2) và tường nhà vệ sinh (0,34m2) không được tính vào diện tích bán.
Mới đây nhất, ngày 27/4/2016, khi Thanh tra TP.HCM đến khảo sát, đo đạc lại nhà ông Minh thì lại cho ra một số liệu khác. Cụ thể, phần ban công phía trước nhà là 3,15 m2 (tính phủ bì); phần đất phía sau nhà là 5,04 m2; hiện trạng giữa 2 căn nhà số 116/12A và 116/13A là khe co giãn, có 2 tường, 2 cột, 2 đà, chứ không phải như bản vẽ ngày 22/8/2006 do Công ty Dịch vụ Công ích quận 3 lập thì hiện trạng giữa 2 căn nhà số 116/12A và số 116/13A là bức tường chung!
Thanh tra TP.HCM đến khảo sát, đo đạc lại nhà ông Minh ngày 27/4/2016 |
“Tôi hoa hết cả mắt, không biết thế nào mà nhà tôi không thay đổi nhưng mỗi lần đo vẽ thì cho ra một diện tích khác nhau. Họ còn vẽ trong sổ hồng nhà tôi, diện tích 37,2 m2, thế mà họ lại ghi chú trong sổ là 33,35 m2”.
Nhà nước thất thu tiền bán nhà!
Theo ông Minh, năm 2008 căn nhà của ông được UBND quận 3 cấp sổ hồng với diện tích sàn xây dựng là 69,58 m2, thiếu 7,3 m2 so với diện tích sàn xây dựng thực tế theo giấy phép xây dựng là 76,88 m2. Ngoài ra, giấy chứng nhận này còn xác định sai vị trí nhà, tường riêng ghi là tường chung, tính thiếu diện tích so với nguyên trạng thực tế sử dụng; trong quá trình bán nhà, cơ quan chức năng đã không đo vẽ hiện trạng từng căn hộ,...
Thanh tra TP. HCM đang kiểm tra hiện trường tại Khu tập thể 116 |
Không chỉ riêng gia đình ông Minh, mà hàng chục căn nhà liên kế tại khu tập thể 116 TQT được mua theo Nghị định 61/CP đều ở vào tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Văn Hiếu, chủ nhà số 116/14A phản ánh, diện tích sàn xây dựng trong giấy phép và sổ hồng cấp cho gia đình ông chênh lệch nhau tới 7,3m2. Cán bộ đo vẽ chỉ giải thích là họ bán nhà không bán cầu thang, còn ban công bán một nửa, tường nhà vệ sinh không bán !?. Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng, ngụ tại số nhà 116/5A cũng cho biết, nhà của chúng tôi là nhà liên kế, nếu bán nhà không bán đầu thang thì người dân chỉ còn cách đu dây để lên lầu ?!
“Tôi không thể hiểu bán nhà không bán tường, cầu thang, đất hiên nhà (3,15m2); đất liền kề sau nhà, trong khuôn viên hiện hữu (5,48m2); ban công (3m2) chỉ bán 1 nửa; nhà có một bức tường riêng thì lại vẽ và thể hiện là tường chung”, ông Nguyễn Xuân Minh bức xúc.
Chính vì những điều bức xúc nêu trên, hơn 7 năm nay nhiều người dân tại Khu tập thể 116 TQT đã đâm đơn khiếu nại đến nhiều cấp chính quyền, qua nhiều cơ quan chức năng để kêu cứu.
Không những để dân trong nhiều năm qua quá bức xúc, mất niềm tin vào Sở Xây dựng và UBND quận 3 TP.HCM, mà với cách tính toán tùy tiện của một số công chức những đơn vị này đã khiến Nhà nước thất thu tiền 7,3m2 sàn xây dựng mỗi hộ dân ở khu tập thể 116 này!
Vụ khiếu nại, tố cáo tập thể của người dân sống tại Khu tập thể 116 Trần Quốc Toản được Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM xác định là 1 trong 4 vụ khiếu nại, tố cáo điển hình đưa vào chương trình giám sát từ năm 2015, cho đến nay các cơ quan chức năng của TP.HCM đang rốt ráo vào cuộc để giải quyết dứt điểm vụ việc. |
Hà Nam - tieudung24g.net