Báo cáo trước Quốc hội khóa XIV về tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm 2016 hồi cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá quá trình cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu. Thủ tướng nói: “Tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp (DN) nhà nước chưa đạt kế hoạch. Tỉ lệ vốn đã được cổ phần hóa đạt thấp. Số lượng DN cổ phần hóa trong sáu tháng đầu năm mới bằng 71%, thoái vốn nhà nước bằng 11,6% so với cùng kỳ”.
“Sợ mất lợi lộc”
Vì sao quá trình cổ phần hóa đang diễn ra chậm? TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, phân tích quá trình cổ phần hóa diễn ra chậm chạp là vì nhiều người không muốn cổ phần hóa. “Họ sợ cổ phần hóa thì sẽ mất quyền lực, mất lợi lộc”. Điều này theo ông Cung là dễ hiểu, bởi lẽ cổ phần hóa không chỉ phân bổ lại nguồn lực kinh tế mà còn phân bổ lại quyền lực của lãnh đạo các DN, các bộ, ngành chủ quản và cả những người quản lý.
“Tổng khối lượng tài sản, vốn nhà nước ở các DN nhà nước hiện lên tới hơn 5 triệu tỉ đồng. Hiện số lượng người trực tiếp, gián tiếp đang nắm giữ số tài sản này rất nhiều. Nắm giữ một khối lượng tài sản khổng lồ như vậy, ít ai muốn buông ra” - ông Cung phân tích.
Một số chuyên gia ước tính nếu bán hết vốn nhà nước tại các “ông lớn” như Vinamilk, Habeco, Sabeco... Nhà nước có thể thu được 7 tỉ USD. Trong ảnh: Khách hàng đang mua sữa Vinamilk. Ảnh: HTD |
Tuy vậy, ông Cung cũng cho rằng có những người quản lý, cấp quản lý muốn cổ phần hóa thực sự nhưng chính những rủi ro pháp lý làm họ chùn bước. Chẳng hạn như khi bán cổ phần với giá thấp được phê duyệt, rồi sau đó khi ra thị trường giá cổ phần lại rất cao. Lúc đó người tiến hành cổ phần hóa có thể vướng vào tội danh vi phạm các quy định quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Đề cập đến vấn đề này, TS Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Các nhà quản trị DN, nhận định việc cổ phần hóa chậm chạp một phần là do các bộ, ngành chủ quản không muốn “nhả” các DN nhà nước mà mình đang nắm giữ. Những DN này hoạt động trên nhiều lĩnh vực từ sữa, bia, đường cho đến công nghệ, bảo hiểm, khoáng sản. “Bây giờ anh đang nắm trong tay một số DN nhà nước với quyền sinh quyền sát trong sắp xếp, bổ nhiệm và ít nhiều cũng có lợi lộc từ đó, anh có muốn buông ra không?” - ông Tiến đặt vấn đề.
Ông Tiến cũng cho rằng một trong những vấn đề khiến cổ phần hóa chưa thể trơn tru là việc định giá các tài sản chưa hợp lý, nhất là về đất đai. Thêm vào đó là việc công khai, minh bạch về cổ phần hóa cũng chưa thực chất.
“Việc cổ phần hóa khu đất vàng của Hãng Phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê ở Hà Nội là một ví dụ. Nếu cho rằng khu đất đó trị giá 37 tỉ đồng thì không hợp lý vì còn những vấn đề lợi thế của khu đất và đằng sau việc cổ phần hóa ở đây còn có vấn đề” - TS Tiến dẫn chứng.
Nhà nước không nên bán sữa, bán bia
Để thúc đẩy cổ phần hóa nhanh hơn, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đề nghị đẩy mạnh việc xóa bỏ chức năng chủ quản của các bộ, ngành để giải phóng các DN nhà nước khỏi các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ và phải có lộ trình cụ thể.
“Nếu cứ kéo dài chế độ bộ chủ quản, mỗi bộ, ngành thực hiện đồng thời cả hai chức năng quản lý nhà nước và chủ sở hữu DN nhà nước thì thực sự là họ đang vừa đá bóng vừa thổi còi, khó bảo đảm một môi trường cạnh tranh bình đẳng” - TS Lộc nói.
Đồng tình, TS Cung nhấn mạnh Nhà nước nên tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ kiến tạo chính sách, tạo ra môi trường thông thoáng cho mọi thành phần kinh tế làm ăn thay vì đi bán bia, sữa, bảo hiểm. Tức Nhà nước không kinh doanh thay DN, không đầu tư những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm tốt hơn. Có làm như vậy mới đúng chức năng của Nhà nước. “Nhà nước khi thoái vốn hoặc cổ phần hóa DN sẽ chỉ thực hiện những vấn đề về chính sách, những lĩnh vực như giáo dục, y tế hay hỗ trợ những đối tượng yếu thế. Cần thay đổi tư duy về vai trò của Nhà nước” - TS Cung nhấn mạnh.
Tuy vậy, TS Cung cho rằng để thực hiện nhanh tiến độ cổ phần hóa cũng như thoái vốn của Nhà nước ra khỏi những lĩnh vực không cần đầu tư thì Chính phủ phải thúc ép các bộ, ngành thực hiện. Song ông Cung cũng lưu ý phải biết tiền thu được từ cổ phần hóa dùng để làm gì bởi nếu không, tình trạng thất thoát, lãng phí là khó tránh khỏi. Mặt khác, nếu không làm như vậy thì người dân sẽ nghĩ cứ cổ phần hóa là mất hết.
“Phải chứng minh và có mục tiêu rõ ràng như tiền thu được từ cổ phần hóa năm nay sẽ xây thêm được bao nhiêu trường học, bệnh viện, bao nhiêu con đường… Không thể đưa tiền thu được từ cổ phần hóa vào chi thường xuyên, vì như thế sẽ không mang lại hiệu quả cao” - TS Cung khuyến cáo.
|