Đây là chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), mảnh ghép hoàn chỉnh khu Khí - Điện - Đạm Cà Mau, công trình Thanh niên Cộng sản của Tuổi trẻ Dầu khí, là điểm nhấn quan trọng trên chặng đường 60 năm phát triển và trưởng thành của ngành Dầu khí Việt Nam. Đồng thời hưởng ứng Tháng Thanh niên, nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Tổng Giám đốc PVN, Lê Mạnh Hùng, lãnh đạo Tập đoàn với đoàn viên thanh niên dầu khí tại trụ sở PVCFC chuẩn bị buổi đối thoại
Đoàn Thanh niên Tập đoàn cùng phối hợp với các Ban, đơn vị tổ chức chương trình đối thoại của Tổng Giám đốc Tập đoàn với đoàn viên thanh niên các lĩnh vực trong Tập đoàn tại 05 điểm cầu khắp mọi miền đất nước.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng tại buổi đối thoại
Thay mặt Tuổi trẻ Dầu khí, bạn Vũ Thị Thu Hương - Uỷ viên BCH Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn vui mừng thông báo với các vị đại biểu và các bạn ĐVTN rằng: Mới đây nhất ngày 01/3/2021, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nghị định số 13-2021NĐ/CP. Đúng nửa tháng sau khi Nghị định ban hành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức đối thoại thanh niên theo chỉ đạo của Chính phủ. Và trong Tháng Thanh niên, sau cuộc đối thoại này, các đơn vị trong Tập đoàn cũng sẽ tổ chức các hình thức đối thoại giữa cấp ủy, chuyên môn với đoàn viên thanh niên.
Phát biểu tại buổi đối thoại Tuổi trẻ Dầu khí, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết: trong 60 năm truyền thống và hơn 40 năm thành lập, Tập đoàn đã luôn đảm bảo thực hiện sứ mệnh của mình trong bảo an ninh năng lượng quốc gia, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; là đầu tàu phát triển kinh tế, xã hội; tiên phong ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực dầu khí. Sứ mệnh đó hỗ trợ cho mục tiêu dài hạn, tầm nhìn của Tập đoàn hướng đến mục tiêu năm 2035 là sẽ xây dựng PVN trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước và khu vực hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp, đồng bộ trong tất cả các khâu, có tiềm lực tài chính mạnh, có năng lực lực khoa học công nghệ, đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn trong nước và quốc tế. Để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới, hoàn thành sứ mệnh của mình trong giai đoạn mới, toàn thể cán bộ, người lao động Dầu khí cần gìn giữ và phát huy bản lĩnh người dầu khí; phát huy trí tuệ của người dầu khí; chuyên nghiệp trong mọi hoạt động; Tiếp tục duy trì kỷ luật, kỷ cương; phát huy giá trị nhân văn, nghĩa tình trong văn hóa dầu khí. Tôi mong muốn thế hệ trẻ, những đoàn viên thanh niên ưu tú cần nắm chắc, hiểu rõ truyền thống ngành; cũng như mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn, thấm giá trị cốt lõi trong văn hóa PVN. Mỗi một đoàn viên thanh niên cần có khát vọng, hoài bão lớn, xây dựng mục tiêu cá nhân, đồng hành cùng sứ mệnh, mục tiêu của Tập đoàn để đồng hành của Tập đoàn trên con đường thực hiện sứ mệnh. Tôi tin tưởng, chúng ta đủ điều kiện, xứng đáng để kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa PVN; hỗ trợ, thực hiện thành công chiến lược của Tập đoàn.
Bạn Vũ Thị Thu Hương - Uỷ viên BCH Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát biểu tại buổi đối thoại
Bạn Hoàng Thanh Bình – Phó Bí thư Đoàn Vietsovpetro đặt câu hỏi: “Xin Tổng giám đốc cho biết Văn hóa PVN đã được thể hiện như thế nào trong năm 2020, một năm mà hoạt động của toàn Tập đoàn phải đối diện với những khó khăn, thách thức chưa từng có bởi tác động của cuộc “khủng hoảng kép” do giá dầu xuống thấp và dịch Covid-19? Và phải chăng đó chính là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu giúp PVN là một trong những Tập đoàn, Công ty dầu khí hiếm hoi làm ăn có lãi trong năm 2020? Hoạt động của ngành Dầu khí nói chung và của PVN nói riêng trong những năm tới được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động khó lường. Xin Tổng Giám đốc cho biết, Văn hóa PVN sẽ cần phải phát huy như thế nào để có thể cùng Tập đoàn vượt khó khăn, thách thức?
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng: Như chúng ta đã biết, đúng ngày 27/11/2019, HĐTV Tập đoàn phê duyệt triển khai Đề án Tái tạo văn hóa PVN. Và trong năm 2020, toàn thế giới và ngành Dầu khí nói riêng chịu tác động nặng nề Covid-19 và giá dầu giảm sâu, có thời điểm giá dầu thô xuống âm, ngành dầu khí thế giới chao đảo và Petrovietnam không nằm ngoài bối cảnh đó. Riêng đối với PVN thì không chỉ tác động kép mà còn nặng nề hơn nữa.
Trước bối cảnh chịu tác động lớn đó, hoạt động trong toàn ngành đặc biệt trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, lọc hóa dầu và phân phối các sản phẩm, lĩnh vực dịch vụ chịu tác động nặng nề nhất. Vậy chúng ta đã vượt qua như thế nào và đặc biệt phản ánh giá trị cốt lõi gì trong văn hóa PVN trong vượt khủng hoảng, vượt tác động kép 2020? Với truyền thống và giá trị cốt lõi được hun đúc trong 60 năm qua nhiều phong ba thì chúng ta thật sự bản lĩnh, nhìn nhận, đánh giá các tác động khó khăn khách quan, chủ quan để chúng ta có những giải pháp và từng bước ứng phó với tác động kép. Bên cạnh đó, chúng ta nghiên cứu, xây dựng gói giải pháp của Tập đoàn, tổng thể về thị trường, đầu tư, tài chính, cơ chế chính sách… tập trung vào các lĩnh vực nêu trên bằng trí tuệ, bản lĩnh người Dầu khí. Đặc biệt trong khó khăn, gói giải pháp được triển khai đến từng đơn vị thanh viên Tập đoàn, trong từng lĩnh vực. Trong thời điểm xã hội cách ly, hạn chế đi lại, chúng ta hạn chế họp hành thì rất nhiều anh em, đoàn viên thanh niên ở công ty mẹ và các đơn vị thành viên ngồi giãn cách, 5K, thứ 7, chủ nhật, ngoài giờ chúng ta vẫn đi làm.
Với gói giải pháp đó, chúng ta triển khai giải pháp tối ưu công tác quản trị và tiết kiệm, kết quả toàn nghành tiết kiệm được gần 9.700 tỷ trong năm 2020, từ đó đưa giá thành khai thác dầu khí có khả năng cạnh tranh giá dầu thế giới xuống thấp. Để chúng ta triển khai được các gói giải pháp trong điều kiện khó khăn như thế, tính kỷ cương của người lao động dầu khí được phát huy tốt, toàn bộ các nhóm giải pháp của chúng ta trong năm 2020 đã được nhất nhất người lao động trong Tập đoàn, các đơn vị thành viên tổ chức thực hiện rất tốt.
Nhờ đó, dù trong bối cảnh khó khăn như vậy, toàn Tập đoàn vẫn đạt kết quả tổng doanh thu tích cực 566 nghìn tỷ, hoàn thành vượt mức nộp NSNN trên 83 nghìn tỷ và có lợi thuế hợp nhất trên 17,5 nghìn tỷ đồng; đặc biệt là chúng ta đã giữ được 3 an toàn lớn: an toàn đối với người lao động trên khắp mọi miền; an toàn đối với dòng tiền Tập đoàn ở Công ty mẹ và các đơn vị thành viên; an toàn trong vận hành tại các công trình, nhà máy.
Từ thực tiễn như vậy, để tiếp tục vượt qua những khó khăn lớn mà chúng ta đã nhận diện, Tập đoàn chúng ta cần tiếp tục cũng cố văn hóa nền tảng và xây dụng văn hóa bản sắc của PVN trên cơ sở giá trị văn hóa cốt lõi mà chúng ta đã hun đúc suốt 60 năm qua và hơn 45 năm hoạt động của Tập đoàn. Đồng thời, cập nhật xu hướng mới, các giá trị cốt lõi của thế giới như xu hướng về chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số, thế giới phẳng... trong quản trị, triển khai các hoạt động của Tập đoàn. Và với lợi thế sức trẻ, sức mạnh, sự tinh anh, chúng tôi kỳ vọng với tốc độ hội nhập, tiếp thu xu hướng mới sẽ được các bạn trẻ trong Tập đoàn biến thành các chương trình hành động phù hợp với lộ trình triển khai công việc, tái tạo văn hóa PVN.
Bạn Nguyễn Thị Lan Ngọc – Phú Quốc POC: Thưa Tổng Giám đốc, trong xu thế thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 với dòng chảy chuyển đổi số mạnh mẽ đã tác động tích cực đến cơ hội và thách thức của Tập đoàn nói chung cũng như PQPOC nói riêng, trước đòi hỏi của sức mạnh thời đại cùng sự hỗ trợ của Lãnh đạo Tập đoàn, Ban lãnh đạo và tập thể CBNV PQPOC đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai áp dụng những hệ thống quản trị tiên tiến phù hợp như SAP ERP, Agile Operations Management System (AOM), iLogistics trong thực tiễn chuyển đổi số tại PQPOC. Để tiếp thêm niềm tin và nhiệt huyết cho các đơn vị trong đó có PQPOC, Lãnh đạo Tập đoàn có thể chia sẻ tầm nhìn định hướng và chiến lược chuyển đổi số cũng như những hỗ trợ thiết thực chung trong toàn Tập đoàn để đảm bảo sự đồng nhất và kết nối đồng bộ giữa các đơn vị trong quá trình chuyển đổi số này?
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng: Nền kinh tế đang chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang kinh doanh số, PVN và các doanh nghiệp khác cũng không thể nằm ngoài xu hướng này. Hiện nay, Tập đoàn đã thuê tư vấn hỗ trợ xây dựng chiến lược, kế hoạch, tổ chức thực hiện chuyển đổi số. Tập đoàn sẽ có định hướng hỗ trợ với các đơn vị thành viên trong quá trình này. Để thực hiện thành công chuyển đổi số thì trước hết đây phải là mong muốn, khát vọng của lãnh đạo. Các lãnh đạo của Tập đoàn và đơn vị thành viên phải thực sự chuyển đổi số trước từ tư duy, hiểu rõ và nắm chắc chuyển đổi số. Thứ hai, là chuẩn bị nhân lực thật tốt để thực hiện chuyển đổi số bởi đây là nút thắt của đồng hồ cát trong quá trình thực hiện. Thứ ba là về vấn đề nền tảng công nghệ, Tập đoàn cùng tư vấn sẽ đánh giá, nghiên cứu nền tảng công nghệ của Tập đoàn để triển khai đồng bộ với quá trình chuyển đổi số. Với tinh thần, ý chí, mong muốn, quyết tâm rất lớn và định hướng mang tính đồng bộ của Tập đoàn về số hóa và chuyển đổi số để thay đổi mô hình kinh doanh, tôi tin tưởng quá trình chuyển đổi này của Tập đoàn sẽ thực hiện được. Tôi hoan nghênh, kêu gọi tất cả CBCNV, đặc biệt là thế hệ trẻ có những lợi thế về sức trẻ, sự nhanh nhạy trong tiếp cận các nguồn thông tin, tham gia nhiệt tình, tích cực vào quá trình số hóa và chuyển đổi số của Tập đoàn.
Bạn Trần Thượng Bích Lan - Phó Bí thư Đoàn BSR: Hiện nay, tuổi trẻ dầu khí đang quan tâm đến nhu cầu đào tạo và phát triển bản thân, xin Tổng Giám đốc cho biết kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Tập đoàn và nhu cầu sử dụng lao động trẻ trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng: Hàng năm cùng với chiến lược sản xuất kinh doanh, Tập đoàn xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo. Hiện tại, Tập đoàn đang cập nhật chiến lược đào tạo đến năm 2025, tầm nhìn phù hợp với chiến lược phát triển của Tập đoàn. Trên cơ sở dự báo về công tác đầu tư, nhu cầu hoạt động SXKD, chiến lược phát triển, cũng như quy hoạch, đào tạo các vị trí quản lý, lãnh đạo, Tập đoàn sẽ cập nhật chiến lược đào tạo; trong đó sẽ lượng hóa yêu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ. Trong chính sách đào tạo, Tập đoàn định hướng làm sao trở thành một chính sách hấp dẫn với ĐVTN, người lao động để công tác đào tạo không trở thành “phải đào tạo, bị đào tạo”. Đoàn viên, thanh niên người lao động, bên cạnh công tác tự đào tạo hãy đón nhận các cơ hội đào tạo của Tập đoàn với niềm đam mê, sự hấp dẫn, để nâng cao trình độ, năng lực, nhận thức trong quá trình phát triển bản thân và đóng góp cho sự phát triển chung của Tập đoàn.
Bạn Vũ Thị Thanh Hương - Bí thư Đoàn Thanh niên PVFCCo: Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao Tập đoàn, các cơ sở đoàn hoạt động rất tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên đâu đó hoạt động đoàn chưa thật sự hiệu quả, chưa có sự đồng bộ, nguyên nhân là do chưa được hoàn toàn ghi nhận như một tiêu chí xem xét thi đua khen thưởng. Vậy sắp tới Tập đoàn có những quyết sách, cơ chế, để giải quyết vấn đề để giúp tạo động lực cho đoàn viên, tự giác, sẵn sàng nhận nhiệm vụ?
Bạn Vũ Thị Thanh Hương - Bí thư Đoàn Thanh niên PVFCCo đặt câu hỏi
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng: Chúng ta muốn trở thành doanh nghiệp lớn thì không chỉ có phần “xác” là quy mô, vốn hóa doanh nghiệp mà chúng ta còn phải có phần “hồn” đó chính là nỗ lực xây dựng văn hóa. Trong đó các hoạt động của các tổ chức của Đảng, Công đoàn, Cựu chiến binh,… đặc biệt là tổ chức Đoàn Thanh niên - tổ chức nhiều năng lượng nhất, đã góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng văn hóa đó.
Với vai trò nhà quản trị, Tập đoàn rất khuyến khích, động viên các hoạt động của Đoàn Thanh niên, như chương trình hôm nay cũng là cơ hội đặc biệt để chúng tôi theo dõi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, sự quan tâm của lớp trẻ để từ đó có những thay đổi và hỗ trợ. Tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, đề nghị lãnh đạo các đơn vị sẽ dành quan tâm ưu tiên lớp trẻ hơn nữa trong thời gian tới.
Bạn Lê Thị Hà Giang – đại diện Đoàn Thanh niên PVcomBank: Hiện nay, khái niệm về “kinh tế chia sẻ” hay “hệ sinh thái trong các Tập đoàn” không còn xa lạ, xin Tổng Giám đốc chia sẻ một số định hướng và dự định của Tập đoàn về chiến lược phát triển trong thời gian tới để tận dụng tối đa các lợi thế, tiềm năng của ngành?
Bạn Lê Thị Hà Giang – đại diện Đoàn Thanh niên PVcomBank đặt câu hỏi
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng: Khái niệm kinh tế chia sẻ được nhiều quốc gia ứng dụng, bản chất kinh tế chia sẻ là việc chúng ta sử dụng các nguồn lực thông qua nền tảng công nghệ số, sử dụng nguồn lực đó không thông qua sở hữu. Nhưng kinh tế chia sẻ cũng có những hạn chế như khó quản lý nghĩa vụ thuế do rất khó kiểm soát giá vốn hàng bán, tính công bằng... Nhưng sớm muộn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có chính sách phù hợp để quản lý. Trong Tập đoàn, không phải bây giờ mới nghĩ đến kinh tế chia sẻ. Nghị quyết 41 của Tập đoàn, có nội dung đẩy mạnh tích hợp, tổ hợp các chương trình, dự án của Tập đoàn đã đầu tư nhằm tối ưu các nguồn lực đã sử dụng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua gia tăng quy mô và giảm thiểu chi phí.
Trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh và cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương về kinh tế chia sẻ thông qua phương án chiến lược, quản trị danh mục và thành lập các chuỗi, yêu cầu quản trị tài sản nguồn vốn phù hợp mục tiêu nhiệm vụ yêu cầu và cạnh tranh thị trường. Trong hệ sinh thái Tập đoàn có một tổ chức tín dụng ngân hàng, đây thực sự là một lợi thế rất lớn, nếu chúng ta tận dụng xu hướng kinh tế chia sẻ thông qua khai thác dữ liệu, dịch vụ, tài sản dư thừa trên nền tảng số và có sự quản lý chặt chẽ trong hệ thống quản lý… thì chúng ta sẽ phát huy tốt vai trò, tác dụng của hệ thống ngân hàng trong Tập đoàn. Nhiều đơn vị Petrovietnam có dòng tiền lớn, nếu chúng ta vận dụng kinh tế chia sẻ thông qua hệ sinh thái để khai thác sử dụng tài nguyên, nguồn lực, dữ liệu thì sẽ phát huy, tối ưu, nâng cao hiệu quả của Tập đoàn.
Bạn Nguyễn Hoàng Đạo - Uỷ viên BCH TW Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau: Những năm qua việc hình thành khu Khí – Điện – Đạm tại Cà Mau đã mang đến diện mạo mới cho nhân dân Cà Mau nói riêng cũng như khu vực Tây Nam Bộ; trong thời gian tới, tuổi trẻ tỉnh Cà Mau có còn những cơ hội việc làm, cơ hội phát triển đến từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hay không, mong anh chia sẻ những dự định đầu tư của Tập đoàn tại khu vực Tây Nam Bộ và Cà Mau?
Bạn Nguyễn Hoàng Đạo - Uỷ viên BCH TW Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau đặt câu hỏi cho TGĐ Lê Mạnh Hùng
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng: Một trong những giá trị cốt lỗi của PVN là tính nhân văn, nghĩa tình, phát triển sản xuất, tạo phúc, an dân. 10 năm qua Tập đoàn đã thực hiện chiến lược của mình trong đầu tư các công trình trọng điểm nhà nước về Dầu khí tại Cà Mau với tổng trị giá khoảng 2 tỷ USD cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm. Hiện nay, các doanh nghiệp sử dụng trên 1.500 lao động thông qua hoạt động SXKD tại đây. Các doanh nghiệp trong cụm Khí – Điện – Đạm đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng trong thu ngân sách Cà Mau, lũy kế đến nay khoảng 16.142 tỷ đồng, đóng góp hằng năm khoảng 50% ngân sách nhà nước tỉnh Cà Mau. Và những công trình, dự án này sẽ tiếp tục có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Trong tương lai, tại Cà Mau cũng như tại các khu vực PVN đã có hoạt động, đầu tư cơ sở hạ tầng và có tiềm năng phát triển, Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp trong chiến lược phát triển của mình, trong đó có việc đầu tư, phát triển các dự án tại Cà Mau, cũng như đẩy mạnh hoạt động sản xuất, chế biến để nâng cao hiệu quả đầu tư, phù hợp với yêu cầu của thị trường và đáp ứng chiến lược của PVN. Tôi rất mong muốn có sự phối hợp của các Ban, ngành ở Cà Mau trong cung ứng, đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án của Tập đoàn với yêu cầu về công nghệ thông tin, kỹ thuật, ngoại ngữ;... Các bạn trẻ ở Cà Mau được đào tạo tốt, có mục tiêu, nguyện vọng làm cho Dầu khí, tôi tin rằng các đơn vị Dầu khí đều sẽ rất hoan nghênh.
Kết thúc buổi đối thoại, với các nội dung chỉ đạo, mong muốn của Tổng Giám đốc Tập đoàn, thay mặt Tuổi trẻ Dầu khí, bạn Vũ Thị Thu Hương – Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn đã tiếp thu và cam kết triển khai tổ chức thực hiện thông qua các hoạt động cụ thể của Đoàn Thanh niên Tập đoàn; Đồng thời đề nghị lãnh đạo các cấp trong toàn Tập đoàn, quan tâm ủng hộ, tạo cơ chế, điều kiện để các bạn đoàn viên thanh niên được rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
Đoàn Thanh niên Tập đoàn kêu gọi các bạn đoàn viên thanh niên phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ, vinh dự là đoàn viên của tổ chức có bề dày 90 năm lịch sử, tự hào với truyền thống 60 năm của ngành Dầu khí Việt Nam không ngừng nỗ lực cống hiến, luôn tự tin, tự chủ trong công việc; sẵn sàng làm chủ cơ đồ mà các thế hệ cha anh đã dành công xây dựng. Thực tế đã chứng minh các thế hệ lãnh đạo ngành Dầu khí đã cống hiến không mệt mỏi và trưởng thành ngay khi còn độ tuổi thanh niên, đó chính là động lực tạo quyết tâm khí thế mới để thế hệ trẻ hôm nay đồng hành cùng với Tập đoàn vào giai đoạn phát triển mới.