SoftBank là tập đoàn lớn của Nhật Bản, với truyền thống là đầu tư vào rất nhiều các công ty công nghệ, viễn thông và startup trên khắp thế giới. Nhưng một trong những thương vụ lớn nhất của tập đoàn là mua 70% cổ phần của nhà mạng Sprint tại Mỹ với giá 20 tỷ USD đã đem lại trái đắng.
Gã khổng lồ SoftBank của Nhật Bản chính là người vừa mới bán lại toàn bộ số cổ phần của hãng game Supercell (cha đẻ của Clash of Clans và Clash Royale) cho Tencent của Trung Quốc. Giá trị của thương vụ này lên đến 8,6 tỷ USD và khiến cho Tencent trở thành thế lực lớn nhất của làng game thế giới.
Ngoài ra, SoftBank cũng đã bán một phần cổ phiếu tại nhà bán lẻ Alibaba (Trung Quốc) với số tiền thu về trị giá 10 tỉ USD.
Theo đó, hện tại SoftBank đang sở hữu nhà mạng Sprint, 28% cổ phần của Alibaba cũng như một phần của Yahoo và Vodafone.
SoftBank sẽ mua lại ARM. (Ảnh: Baomoi.com) |
Thương vụ lớn nhất năm
Tuy nhiên thương vụ lớn nhất của SoftBank trong năm nay chính là việc tập đoàn này tiết lộ đang thực hiện thương vụ với giá trị lên đến 32 tỷ USD. Đó là thâu tóm hãng thiết kế chip di động lớn nhất hiện nay, ARM.
ARM là công ty của Anh, chịu trách nhiệm trong việc thiết kế các chip xử lý sử dụng trong hầu hết thiết bị di động trên thị trường, bao gồm cả những sản phẩm đến từ Apple, Samsung hay HTC.
Công ty không tự tay sản xuất chip di động, thay vào đó cấp phép công nghệ cho Qualcomm, MediaTek, Samsung… Nếu thỏa thuận được thông qua thì đó sẽ là một trong những thương vụ lớn nhất trong việc mua một công ty châu Âu.
Apple và Samsung là những hãng smartphone tự sản xuất chip di động cho các sản phẩm của mình. Và họ cũng phải sử dụng các kiến trúc của ARM cho các con chip của mình.
Thương vụ thâu tóm trị giá 32 tỷ USD này là một quyết định vô cùng quan trọng của CEO Masa Son, trong bối cảnh mà SoftBank đang gặp khá nhiều khó khăn. Tập đoàn khổng lồ của Nhật Bản này đang thực hiện việc tái cấu trúc, để tập trung nguồn lực vào những mảng kinh doanh mũi nhọn. Đó cũng là lý do vì sao hãng game Supercell lại được bán cho người Trung Quốc.
Tuy nhiên ARM hoàn toàn có thể tổ chức một cuộc đấu thầu, vì cũng có rất nhiều gã khổng lồ khác đang thèm muốn hãng thiết kế chip di động này. Apple, một trong những khách hàng lớn nhất, cũng có thể là người muốn thâu tóm ARM.
ARM là công ty công nghệ lớn và quan trọng nhất của Vương quốc Anh, với hơn 15 triệu chip sử dụng công nghệ của ARM được bán ra vào năm ngoái. Công ty này trở thành mục tiêu mua lại hấp dẫn trong thời kỳ hậu Brexit (Anh tách khỏi Liên minh châu Âu - EU) khiến giá trị đồng bảng Anh giảm mạnh đến 15% so với yen Nhật Bản, dẫn đến giá trị của ARM rẻ hơn so với dự kiến.
ARM đã có những biện pháp nhằm bảo vệ mình sau Brexit do có lượng lớn khách hàng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, do mối lo ngại rằng các kỹ sư hàng đầu ở Anh có thể chuyển sang các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu hoặc các nước khác nên việc bán mình đã được ARM thực hiện.