Nhà máy NLSH ở Bình Phước mỗi năm lỗ khoảng 200 tỷ đồng. |
Có quá vội vàng?
Trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học, PV Oil là đơn vị nòng cốt của PetroVietNam (PVN) thực hiện đề án nói trên.
Trước đó, việc nhanh chóng tiếp cận và làm chủ công nghệ sản xuất xăng sinh học là một nỗ lực đáng ghi nhận của các nhà khoa học của PVN. Sau đó, lần lượt các nhà máy Bio-ethanol Dung Quất thuộc Công ty CP NLSH Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) và Nhà máy NLSH Bình Phước thuộc Công ty TNHH NLSH Phương Đông (OBF) đã cho ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn cho động cơ ra thị trường.
Tuy nhiên, dù chưa biết sự đón nhận của thị trường như thế nào (đến nay đã thất bại - PV), nhưng sự “phình to” của PVOil rất đáng phải “suy ngẫm”.
PV Oil mặc dù mới chính thức đi vào hoạt động từ 6/6/2008 nhưng đến nay đã có 13 ban chuyên môn tại trụ sở chính, 13 đơn vị trực thuộc, 31 công ty con, trong đó có 2 công ty 100% vốn của PV Oil ở nước ngoài là PV Oil Lào và PV Oil Singapore. 13 công ty liên doanh, liên kết và đầu tư vốn vào 6 công ty (tỷ lệ vốn thấp hơn 20% vốn điều lệ).
Tính đến tháng 10/2014, PV Oil góp vốn xấp xỉ 900 tỷ đồng vào các doanh nghiệp để triển khai dự án nhiên liệu sinh học. PV Oil đã góp hơn 227 tỷ đồng, tương ứng gần 40% vốn điều lệ vào Công ty CP Hóa dầu và NLSH Dầu khí (thành lập tháng 12/2007) để triển khai Dự án tại Phú Thọ. Tại Công ty CP NLSH Dầu khí miền Trung (thành lập tháng 8/2008), PV Oil góp trên 380 tỷ đồng, tương ứng 38,75% vốn điều lệ của DN này để triển khai Dự án tại Dung Quất. Tại Công ty CP NLSH Phương Đông (thành lập tháng 5/2009), PV Oil góp 208 tỷ đồng, tương ứng 29% để thực hiện Dự án tại Bình Phước.
Mải mê lao vào mở các phòng ban, thành lập các công ty con, góp vốn, đánh giá trị trường thiếu khoa học, thực tiễn, gần 900 tỉ đồng ngân sách đã không “đơm hoa kết trái”!
Nhà máy NLSH Phú Thọ vi phạm Luật đấu thầu phải dừng thi công năm 2011 đã gấy thiệt hại rất lớn. |
Những thiệt hại lớn
Theo Thông báo số 3129/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ (TTCP) kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học có góp vốn của PVN và các đơn vị thành viên, trong đó có PV Oil công bố gần đây, thực tế cho thấy nhiều hồi chuông báo động.
Tại Dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, TTCP kết luận, đến thời điểm được thực hiện chỉ định thầu và ký hợp đồng EPC Dự án tại Phú Thọ, nhà thầu PVC chưa thực hiện hợp đồng EPC dự án nhiên liệu hoặc các dự án có tính chất tương tự. Kết luận của TTCP chỉ rõ, việc chỉ định thầu cho Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T là vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật Đấu thầu năm 2005. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trong quá trình thực hiện, nhà thầu PVC đã phải dừng thi công Dự án từ tháng 11/2011, vi phạm quy định của hợp đồng EPC, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư, khiến Dự án khó tiếp tục thực hiện.
Tại Dự án Dung Quất, PV Oil chỉ định thầu nhưng đã không chọn mặt gửi vàng mà chọn mặt gửi “người thân”, dẫn đến kết quả thật thảm hại. Nhà thầu được chỉ định cũng chưa từng thực hiện dự án nhiên liệu sinh học nhưng vẫn được chỉ định thầu thực hiện những công việc quan trọng của Dự án dẫn đến nhiều công việc đổ bể. TTCP kết luận: “Việc chỉ định thầu không đúng này đã dẫn đến thi công hạng mục Xử lý nước thải không đáp ứng công suất của Nhà máy; Dự án chậm tiến độ 24 tháng, làm tăng chi phí cho chủ đầu tư 345 tỷ đồng”.
Nhà máy NLSH Quảng Ngãi chậm tiến độ 24 tháng, làm tăng chi phí cho chủ đầu tư 345 tỷ đồng. |
Tại Dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước, trong quá trình đầu tư đã bị đội vốn, tăng 250,11 tỷ đồng (tăng 16,76%) so với tổng mức đầu tư khi phê duyệt dự án. Dự án được nghiệm thu tháng 6/2012, nhưng tính đến tháng 3/2013, Nhà máy mới chỉ hoạt động được 5 đợt và gần như dừng vận hành thương mại kể từ tháng 4/2013 đến thời điểm TTCP thực hiện thanh tra. Dự tính mỗi năm lỗ khoảng 200 tỷ đồng.
Kết quả là bức tranh đầu tư đẹp đẽ đến nay gần như “thất thủ” hoàn toàn. Cả ba dự án đều trong tình trạng “đắp chiếu”, hoặc trong tình trạng hoạt động cầm chừng. Nhà máy tại Phú Thọ đầu tư dở dang, dừng thi công từ tháng 11/2011, hai nhà máy tại Dung Quất và Bình Phước đầu tư đã xong nhưng hầu như không vận hành thương mại.
Trong khi đó, trên chính trang web của Tổng công ty, nguyên nhân được lý giải: Thiếu nguyên liệu là một yếu tố khiến 3 nhà máy đang phải sản xuất với chi phí cao, do giá sắn đang chiếm tới khoảng 60% chi phí sản xuất. Theo phân tích của PVPro (VPI), chi phí sản xuất của nhà máy Bio-ethanol Dung Quất đang cao hơn nhà máy tương tự ở Thái Lan tới 26%. Chi phí sản xuất nhiên liệu sinh học ở Việt Nam nói chung đang cao hơn một số quốc gia đi trước trên thế giới.
Bức tranh u ám trên không chỉ gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước mà vấn đề đặt ra hiện nay là phải khắc phục, xử lý 3 nhà máy trên như thế nào. Để xảy ra thất thoát, lãng phí khổng lồ như vậy thì ai chịu trách nhiệm?