Trong thời gian qua, dư luận tỏ ra phấn khởi khi cơ quan chức năng huyện Hóc Môn quyết liệt xử lý dứt điểm lò mổ không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và gây ra nhiều hệ lụy về vệ sinh môi trường ở xã Xuân Thới Sơn. Nhưng thay vào đó là một lo lắng lớn hơn, đó là việc UBND TP.HCM lại "gấp rút" cho phép triển khai thực hiện một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật dự án Nhà máy giết mổ gia súc tại xã Xuân Thới Thượng của huyện này khi chưa thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật. Thậm chí, chủ đầu tư là Công ty CP chế biến thực thẩm Hóc Môn còn chưa hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Nhiều hạng mục của Nhà máy được cho là chưa hoàn tất nhưng vẫn được '' Ưu ái'' để hoàn thành Ảnh: NTD |
Vì sao một dự án vốn có nhiều "nhạy cảm" với môi trường và liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng lại được hưởng nhiều "ưu ái" đến vậy? Phải chăng, đây là dự án có tổng vốn đầu tư 280 tỷ đồng, nhưng tổng vốn góp thành lập Công ty CP Chế biến Thực phẩm Hóc Môn chỉ 90 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngoài 3 tổ chức góp vốn thành lập công ty còn có 30% vốn góp từ những cá nhân đã phần nào hé lộ những "ưu ái" mà UBND TP.HCM dành riêng cho Công ty CP Chế biến Thực phẩm Hóc Môn?
Với những dấu hiệu bất thường này, dư luận cảm thấy bất an khi thành phố "vội vàng" cho xây dựng Nhà máy giết mổ tập trung này. Và với đà "ưu ái" này, thật khó để người dân tin tưởng khi Nhà máy đi vào hoạt động sẽ bảo đảm vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm quy trình giết mổ sạch. Và tình trạng ô nhiễm, bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng... cũng khó được quản lý chặt chẽ, khách quan.
Mọi thứ còn rất '' ngổn ngang'' Ảnh: NTD |
Sau khi Nhà máy giết mổ gia súc tại xã Xuân Thới Thượng được triển khai xây dựng khi chưa hoàn tất hồ sơ pháp lý, mới đây, thành phố chính thức đưa ra phương án “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025”. Theo đó, đến tháng 6/2016 thành phố sẽ chính thức tiến hành đóng cửa các cơ sở giết mổ thủ công. Đầu tiên là cơ sở giết mổ gây ô nhiễm môi trường của Nam Phong (tại Bình Thạnh và Thủ Đức). Tiếp đến là cửa hàng thực phẩm Bình Đông (quận 8). Cả ba cơ sở này sẽ được chuyển về Trung tâm giết mổ quận Bình Tân và nhà máy của Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản. Và đến cuối năm 2017, tất cả các cơ sở giết mổ hiện hữu trên địa bàn thành phố phải chấm dứt hoạt động.
Cùng với phương án đóng cửa các cơ sở giết mổ gây ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh, nằm xen lẫn trong các khu dân cư trong nội thành, thành phố sẽ tiến hành xây dựng 6 nhà máy giết mổ gia súc quy mô công nghiệp, hiện đại tại 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi với công suất giết mổ từ 10.000 đến 15.000 con/ngày.
Việc TP.HCM quyết liệt đóng cửa các cơ sở giết mổ trong nội thành là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, không để những lò giết mổ gia súc nằm trong khu vực dân cư sinh sống, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân sống xung quanh cũng như đáp ứng đầy đủ điều kiện về vệ sinh môi trường. Cụ thể, thành phố quyết định đến ngày 30/6/2016, sẽ chính thức đóng cửa hai lò mổ của Nam Phong ở Thủ Đức và Hiệp Bình Chánh. Bên cạnh đó, việc quy hoạch các nhà máy giết mổ công nghiệp tập trung, xóa bỏ hoàn toàn những lò mổ nhỏ lẻ đang tồn tại trong thành phố.
Trong thời gian qua, tình hình giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố có nhiều diễn biến phức tạp, gây không ít khó khăn quản lý, nhất là trong công tác kiểm tra thú y. Bởi có những lò mổ nhỏ lẻ chỉ vài chục con gia súc, gia cầm nhưng cũng cần phải phân bổ cán bộ canh trực và xử lý. Vì vậy, chỉ quy hoạch những lò mổ tập trung thì việc giám sát thú y và theo dõi những dịch bệnh khi nhập cũng như xuất được kiểm soát chặt chẽ hơn. Trong năm 2015, tổng sản lượng gia súc, gia cầm từ các tỉnh tiêu thụ tại TP.HCM là 439 ngàn tấn, thịt lợn tươi là 463 ngàn tấn, đây là một con số không hề nhỏ. Với sự kiểm soát của thú y, dự báo những năm tới lượng gia súc gia cầm, thịt heo được tiêu thụ trên địa bàn thành phố sẽ tăng lên nhiều hơn.
Công tác quản lý nhà nước về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sức khỏe người dân. Do đó, để công tác an toàn thực phẩm ngày càng mang lại hiệu quả, không để những lò mổ nằm trong khu vực dân cư sinh sống, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân sống xung quanh khu vực lò mổ không bị ảnh hưởng, đáp ứng đầy đủ điều kiện về vệ sinh môi trường là điều cần thiết.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cơ sở giết mổ thủ công vẫn tiếp tục hoạt động làm ô nhiễm môi trường. Tại các lò mổ Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông (Củ Chi), môi trường bị ô nhiễm rất nặng nề, đời sống người dân bị ảnh hưởng, dư luận phản ánh nhiều nhưng đến nay UBND huyện Củ Chi vẫn chưa đưa ra thời điểm chính thức đóng cửa.
Tập trung đầu tư cơ sở giết mổ cho những năm tới, để đến năm 2017, đưa vào hoạt động 6 lò mổ công nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Hóc Môn có 2 cơ sở, trong đó có Nhà máy giết mổ công nghiệp tại xã Xuân Thới Thượng. Riêng huyện Củ Chi có 4 lò mổ gồm nhà máy giết mổ Tân Thạnh Tây do tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư với công suất 2.000 con/ngày, Nhà máy giết mổ gia súc tại ấp Chợ, xã Tân Phú Trung do công ty TNHH Dịch vụ An Hạ làm chủ đầu tư với công suất 3.000 con/ngày, Nhà máy giết mổ tại đường Võ Văn Bích, ấp 8, xã Bình Mỹ do Công ty TNHH Lộc An làm chủ đầu tư với công suất 2.000 con/ngày, nhà máy giết mổ công nghiệp tại xã Phước Thạnh do công ty cổ phần Nhị Tân làm chủ đầu tư với công suất 1.000 con/ngày. Ngoài ra, Công ty TNHH Việt Nam kĩ nghệ súc sản sẽ đưa vào hoạt động nhà máy giết mổ heo tại cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại xã Lương Bình, huyện Bến Lức, Long An với công suất 2.500 - 4.000 con/ngày.