Cụ thể, theo nghị quyết ngày 30/06, HĐQT NAF thông qua việc mua thêm cổ phần tại CTCP Thực phẩm Nghệ An (Naprod), nơi Công ty đang sở hữu 5% vốn điều lệ (310,000 cp).
NAF dự kiến mua thêm 5.88 triệu cổ phần với giá chuyển nhượng 37,000 đồng/cp, tương đương tổng chi khoảng 217.7 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 99.9% vốn điều lệ (tương đương gần 6.2 triệu cp).
Trong đó, NAF sẽ mua gần 2.7 triệu cổ phần từ ông Nguyễn Mạnh Hùng - người đang nắm 42.86% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại (52.04%, tương đương hơn 3.2 triệu cp) sẽ được mua từ các cổ đông khác.
Trên thực tế, việc mua lại Naprod nằm trong thỏa thuận đầu tư của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) ký kết với NAF vào năm 2019. Theo thỏa thuận, NAF cần tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty liên kết để thực hiện việc chi phối và kiểm soát, trong đó có CTCP Thực phẩm Nghệ An, với thời hạn chậm nhất để nâng lên 99.9% là vào cuối năm 2020.
Tuy nhiên, tại ngày 20/12/2022, Tổng Giám đốc NAF mới trình HĐQT phương án tăng tỷ lệ tại Naprod, và tới ngày 30/06/2023 mới chính thức có nghị quyết thông qua. Mức giá mua lại cũng thay đổi, giảm từ 309 tỷ đồng xuống còn 217.7 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 30/06, HĐQT NAF đưa ra nghị quyết mua thêm cổ phần tại CTCP Nafoods Tây Bắc - đang là công ty con của NAF với tỷ lệ 91%. Theo đó, NAF sẽ mua thêm 445,000 cổ phần, tương đương 8.9% vốn điều lệ, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 99.9% (tương đương gần 5 triệu cp). Giá nhận chuyển nhượng là 20,000 đồng/cp, tương đương giá trị 8.9 tỷ đồng.
Như vậy, NAF cần chi gần 226 tỷ đồng để hoàn tất 2 thương vụ trên. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NAF bước vào đà tăng mạnh từ cuối tháng 3. Phiên 03/07, thị giá là 14,000 đồng/cp, tăng 40% so với đáy 10,000 đồng/cp ngày 28/03/2023.