Chị Mai bỏ phố về quê khởi nghiệp trồng rau. |
Bỏ phố về quê khởi nghiệp trồng rau sạch
Xuất thân từ gia đình thuần nông, có lẽ vậy mà từ bé chị đã quen mặt với những loại rau củ trên những cánh đồng. Mùa nào, trồng rau gì, tháng nào nên trồng củ gì chị đều nắm rõ. Đó cũng chính là một trong những nền tảng thuận lợi để chị có thể bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên với hai văn bằng chuyên ngành kế toán và ngân hàng, chị Đặng Thị Mai (thôn 2, xã Yang Reh, huyện Krông Bông, Đăk Lăk) được nhận vào làm việc tại ngân hàng tỉnh nhà ở Đăk Lăk. Nhưng sau đó, chị Mai quyết định vào TP.HCM lập nghiệp với vị trí chuyên viên tài chính cá nhân của Ngân hàng Maritime Bank với mức thu nhập “nhiều người mơ”.
Sau khi sinh con thứ 2 vào đầu năm 2016, chị Mai quyết định nghỉ việc công sở và bắt đầu khởi nghiệp nông sản sạch.
Chị Mai cho biết: “Bản thân tôi từ bé đã theo bố mẹ làm nông, nên mình hiểu rõ thế nào là rau sạch. Người nông dân mình trồng rau không có biết cho hóa chất gì vào rau đâu, họ cứ trồng, bón phân, rồi thu hoạch để bán. Nhưng rồi cũng chính tôi chứng kiến rau họ trồng mà tự tay họ phải băm nhuyễn ra, chặt bỏ vì bị ép giá, giá quá thấp không bán được. Tôi nghĩ, tại sao trên TP.HCM không có rau sạch để ăn, người ta đi chợ chắc gì đã mua được rau sạch, vậy mà người nông dân quê mình lại phải tự tay bỏ chính loại nông sản sạch mình trồng.”
Chị Mai luôn làm "bạn" với cánh đồng rau sạch. |
Ý tưởng khởi nghiệp bằng cách trồng rau sạch còn được chính bản thân chị chứng kiến thực tế qua việc chị mua rau ở chợ. Chị kể: “Rau mua từ chợ về, chỉ mới ngâm vào nước từ sáng đến gần trưa nhưng cọng rau đã dài ra gần gấp đôi. Do nhà tôi làm nông nên tôi biết, không có loại phân bón nào mà sinh trưởng nhanh như thế”. Một phần khác, chính những loại rau bị phun thuốc như vậy, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về vấn đề tăng cân, tiêu hóa hay thậm chí là dậy thì sớm ở trẻ em, nhất là trẻ ở lứa tuổi đang phát triển.
Nhìn vào thực tế với nghịch lý, trong khi một bên người nông dân phải tự tay “hủy hoại” nông sản mà mình gieo trồng, chăm bón từng ngày. Một bên là người tiêu dùng khao khát mua được rau sạch, khao khát được ăn sản phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình.
Cũng vì lý do đó, chị bắt đầu liên kết với nông dân tại quê mình ở Đăk Lăk để trồng và tiêu thụ sản phẩm của họ. Tuy nhiên, do khí hậu ở địa phương chỉ trồng được một số loại nông sản, không đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng, nên chị quyết định mua thêm đất tại Lâm Đồng, đầu tư hệ thống kỹ thuật trồng rau trong nhà kính. Bên cạnh đó, chị cùng người đồng hành của mình tại Lâm Đồng đi kết nối với nông dân để lập ra hợp tác xã, sau đó tiến hành trồng rau theo tiêu chuẩn VietGab, GobalGab để tìm được đường ra cho nông sản. Hiện tại, hợp tác xã của chị gồm 17 hộ nông dân tham gia.
Mỗi ngày chị nhập về khoảng 70kg rau củ các loại từ hợp tác xã rau Lâm Đồng cùng những hộ nông dân trồng rau tại Đăk Lăk. Trong đó, 2/3 sản lượng nông sản được các siêu thị thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố thu mua.
Thành công bước đầu với khoai lang mật
Chia sẻ về việc chọn khoai mật làm nông sản chính, chị Mai cho biết: “Tôi thích ăn khoai lang. Trong một lần lên Đà Lạt chơi và cũng thử món khoai lang nướng, điều đầu tiên cảm nhận là nó vừa mềm, vừa dẻo, không giống những loại khoai lang trước đó tôi ăn. Sau khi về lại TP.HCM thì cũng đi mấy cửa hàng nông sản sạch để tìm mua, nhưng không thấy. Trong siêu thị thì đa số là các loại khoai nhỏ, chính vì vậy nên tôi nhập từ Đà Lạt về để bán lẻ. Sau một thời gian, thấy mọi người ủng hộ nhiều, người này giới thiệu người kia, nên tôi quyết định tận dụng mảnh đất sẵn có để trồng khoai. Trước đó, thì tôi nhập từ các hộ nông dân trong hợp tác xã trồng rau tại Lâm Đồng”.
Chị Mai bên cánh đồng trồng khoai lang mật. |
Hiện tại, mỗi ngày chị nhập về TP.HCM từ 3-4 tạ khoai lang mật. Trong đó, những cửa hàng lấy sỉ trung bình mỗi ngày khoảng 3 tạ, còn 1 tạ chị để bán lẻ tại cửa hàng ở số 142 Phùng Văn Cung (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Không chỉ có thị trường tại TP.HCM mà những cửa hàng ngoài Hà Nội cũng thu mua loại khoai lang này, chị cho biết, trung bình mỗi tuần chị chuyển khoảng 5 tạ khoai lang mật ra Hà Nội cho tất cả các đại lý.
Giá bán lẻ khoai mật tại cửa hàng khoảng 45.000đ/kg. Có 2 loại khoai lang mật khác nhau: khoai sình và khoai đồi. Thời điểm này, tháng 3 là thời điểm thu hoạch khoai sình. Còn khoai đồi được trồng trên các đồi và thu hoạch vào khoảng tháng 10.
Dù chỉ mới bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh khoai lang mật 2 tháng, nhưng số lượng khách sỉ, lẻ, các cửa hàng siêu thị nhập khoai của chị rất nhiều. Chị cho biết “khách lẻ người ta mua rồi người này giới thiệu người kia nên cửa hàng được nhiều người biết đến”.
Tính đến nay, từ khi bắt đầu khởi nghiệp vào tháng 5/2016, chưa đến 1 năm nhưng chị đã có số lượng khách lẻ và các hệ thống siêu thị ổn định. Chị cho biết sẽ chỉ kinh doanh tại 2 cửa hàng chính và không có ý định mở chuỗi cửa hàng. Trong thời gian tới mặt hàng dâu tây và khoai lang mật của chị đã được hệ thống siêu thị Chợ Phố chấp nhận và ký hợp đồng hợp tác.
Khởi nghiệp bằng cái tâm
Chị Mai khởi nghiệp bằng số vốn 1,5 tỷ đồng, đến nay đã đạt được những kết quả khả quan. |
Chị Mai chia sẻ, sau thời gian khảo sát tại Lâm Đồng, chị quyết định đầu tư 1 tỷ 500 triệu đồng để khởi nghiệp. Chị mua thêm đất và xây dựng hệ thống nhà kính, chọn các giống cây đạt chuẩn để tiến hành gieo trồng. Thời gian đầu, chị Mai cũng không gặp không ít khó khăn về thị trường đầu ra, nhất là về giá khi chào sản phẩm tại các hệ thống siêu thị. Hầu hết ai cũng muốn mua nông sản sạch, giá rẻ, nhưng giá trung bình để bán sỉ của rau cũng 16.000đ/kg, đó là sản phẩm đã được chứng nhận, kiểm định rõ ràng, chị Mai cho biết.
Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, chị cho rằng cần phải có tâm huyết và đi cùng người nông dân. Đồng thời phải hiểu rõ các tiêu chuẩn chất lượng và có được nguồn hàng đáp ứng các tiêu chuẩn này. “Tôi chọn khởi nghiệp về thực phẩm sạch vì trước hết để bản thân mình được sử dụng nguồn thực phâm sạch, sau đó là gia đình và bạn bè được dùng chính sản phẩm sạch do nông dân mình trồng. Cuối cùng là muốn giúp người nông dân tìm được đầu ra cho nông sản dể họ có thu nhập.” chị Mai chia sẻ.
Trong năm 2017, là năm mà các chuyên gia kinh tế cho rằng khởi nghiệp sẽ là chủ đề nóng trong năm nay và khuyến khích các bạn trẻ mạnh dạn chọn cho mình một hướng đi, tuy nhiên để thành công thì còn là một chặng đường cam go cần có sự kiên trì, sức sáng tạo không ngừng và luôn học hỏi để có thể phát triển trong bối cảnh chung của đất nước.