Phá sản, vỡ nợ hết vì bị truy thu
"Công ty tôi bán xe cho khách hàng vào trung tuần tháng 7/2016, đã nộp thuế theo quy định gần 50 triệu đồng. Thế nhưng, đùng một cái, sau khi Thông tư 130 ra đời ngày 12/8, thanh tra thuế đã vào làm việc 5 ngày. Kết quả là chiếc xe đã bán bị truy thu thêm 500 triệu đồng và thêm 192 triệu đồng tiền phạt. Mà không phải chỉ chiếc xe này bị truy thu, rất nhiều xe khác đang bị. Số truy thu lên tới hàng tỉ đồng".
Đó là những lời tâm sự của bà Nguyễn Thị Xuyến, đại diện Công ty An Phúc Thành khi nghĩ đến cảnh bị truy thu tiền thuế cho những xe xuất hóa đơn sau ngày 1/7.
Xe sang nhập trước 1/7 vẫn bị tính thuế cao khiến DN hoảng hốt. |
Trường hợp Công ty An Phúc Thành không phải là cá biệt. Hàng chục DN kinh doanh ô tô nhập khác cũng lâm cảnh tương tự.
Tất cả bắt nguồn từ việc chính sách thuế với ô tô nhập thay đổi theo hướng tăng mạnh thuế dòng xe từ 3.0 lít trở lên kể từ 1/7/2016. Theo quy định cũ các dòng xe này chỉ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 60%, còn sau 1/7/2016 tăng lên các mức 90%, 110%,130% và 150%. Và giá tính thuế là giá bán ra thay vì giá nhập như trước.
Các DN nghĩ rằng, những xe nhập khẩu trước 1/7 thì khi bán ra sau ngày này vẫn được hưởng mức thuế cũ là 60%. Thế nhưng mãi đến 12/8/2016, khi thông tư 130 của Bộ Tài chính ra đời, các DN mới ngã ngửa. Hóa ra, kể cả xe xuất hóa đơn từ ngày 1/7 đến ngày 12/8 đều cũng thuộc diện bị truy thu thuế.
Lý do là Thông tư này quy định: Trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu ô tô trước ngày 1/7/2016 nhưng bán ra từ ngày 1/7/2016 thì phải kê khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo mức thuế suất mới, tức 90%, 110%,130% và 150% chứ không phải mức 60%.
Điều đó có nghĩa, dù DN nhập xe trước 1/7/2016 bao lâu đi chăng nữa, mà xuất hóa đơn bán hàng sau 1/7 thì đều bị chịu mức thuế cao vọt lên.
Chẳng hạn, với chiếc Lexus 570 mức truy thu lên tới 1,6 tỷ, Lexus RX 350 truy thu 470 triệu, RX 460 truy thu 500 triệu...
Ông Vũ Nam Chung, Công ty Gia Vũ bức xúc: Có xe bị truy thu 1-2 tỷ thuế tiêu thụ đặc biệt. 10-20 xe đã là vài chục tỷ. Truy thu như thế thì phải cầm cố, bán hết nhà cửa, để có tiền nộp thuế.
“Truy thu thế này không 1 DN nào có tiền cả, phá sản, vỡ nợ hết”, đại diện Công ty Gia Vũ thảng thốt.
Thông tư có hiệu lực trước khi ban hành?
Ông Trần Dũng, Công ty TNHH Màu Đức than thở: “Nếu ngành thuế ban hành Thông tư 130 trước 1/7 khoảng 1-2 tháng thì chúng tôi còn cân nhắc được để bán xe trước 1/7. Mãi 12/8 mới ban hành văn bản, nhưng thời điểm áp dụng lại là 1/7 thì quá vô lý”, đại diện các DN ô tô băn khoăn.
Xe sang tồn từ những năm trước, bị tính thuế mới khiến DN lao đao. |
Ông Đỗ Văn Thuật, Công ty TNHH đầu tư Long Quang nói: Nếu thông tư 130 đó ban hành sớm, chúng tôi có thể không nhập khẩu xe dung tích xi lanh trên 3 chấm có nguy cơ bán ra sau ngày 1/7 nữa. Còn những xe kí hợp đồng từ nửa năm trước thì không thể thu thêm của khách hàng, hoàn toàn phải bỏ tiền túi đóng. Một xe dung tích xi lanh trên 3 chấm thì truy thu đến hàng tỷ đồng.
“Chắc chắn chúng tôi xin phá sản, không đóng được vì đã thỏa thuận với khách hàng từ trước rồi, không thể đơn phương thay đổi giá bán”, ông Thuật nói.
Ông Nguyễn Tuấn, Công ty TNHH Thiên An Phúc chỉ ra: Theo quy định, Thông tư hướng dẫn phải có hiệu lực sau 45 ngày để DN biết phương hướng kinh doanh. Thế nhưng thông tư 130 ban hành ngày 12/8, nhưng hiệu lực áp dụng lại từ ngày 1/7.
“Thực sự truy thu thế thì anh em rất khổ. Gần như các DN phá sản. Nếu truy thu thì không thể nộp được, có DN phải giải thể, không khéo bị truy tố”, ông Tuấn nhấn mạnh .
Đại diện cho các DN mong gỡ cho DN, đưa ra phương pháp nào đó hợp lí nhất để DN có thể tồn tại phát triển và cạnh tranh được.
Điều 151 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có quy định: Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương…
Ông Nguyễn Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) cho rằng: Luật số 106/2016/QH13 của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế có hiệu lực từ 1/7/2016. Luật này quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá cơ sở bán ra. Như vậy DN đã có thời gian chuẩn bị.
Vì thế, ông Tân cho rằng hiệu lực của Thông tư 130 từ 1/7 là thể hiện sự thống nhất với Luật.
Ngoài ra, vị này cho rằng thông tư ra đời từ 12/8, nhưng hiệu lực áp dụng từ 1/7 để là “thống nhất giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu”. Bởi xe sản xuất trong nước bán ra từ 1/7 cũng phải chịu mức thuế mới, cho nên xe nhập cũng phải chịu mức thuế mới. Nếu không có tình trạng một loại xe nhưng 2 giá bán chênh lệch nhau.
Những lý lẽ ông Tân đưa ra không được các DN đồng tình. Các DN cho rằng một người mua nhà từ khi mới làm xong móng bao giờ cũng rẻ hơn mua nhà khi đã hoàn thành. Đó là điều bình thường. Cho nên việc DN nhập xe giá rẻ từ 1-2 năm trước rồi bán giá rẻ hơn cũng không có gì phải băn khoăn cả.