Vissan đề nghị Đồng Nai hỗ trợ gỡ vướng
Công ty Vissan (địa chỉ phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) là đơn vị sản xuất kinh doanh thực phẩm thiết yếu, phục vụ cho thị trường TP Hồ Chí Minh và cả nước. Theo trình bày của Vissan, hiện nay nhà máy của công ty này tại TP Hồ Chí Minh chưa hoạt động giết mổ lợn hơi trở lại được vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy Vissan gặp rất nhiều khó khăn trong việc cung ứng thực phẩm thiết yếu hàng ngày cho thị trường TP Hồ Chí Minh.
Tại buổi làm việc với Vissan ngày 6/8/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Vissaan không để thiếu nguồn cung ứng thực phẩm thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, Vissan đã tiến hành liên kết gia công giết mổ với một số địa điểm giết mổ ở các tỉnh. Tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, Vissan có liên kết lò giết mổ Hòa Hợp (xã Bảo Hòa) và lò giết mổ Hưng Thuận (xã Xuân Thọ).
Vi phạm quy định, lò mổ Hòa Hợp bị buoojv ngưng hoạt động
Nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Vissan đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch khi vận chuyển hàng hóa. Cụ thể là sắp xếp cố định xe tải cho tuyến vận chuyển Đồng Nai - TP Hồ Chí Minh và xe được khử khuẩn thường xuyên. Bố trí cố định tài xế vận chuyển tuyến này, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính có hiệu lực trong 72 giờ theo quy định của tỉnh. Tài xế mặc bảo hộ y tế trong suốt quá trình di chuyển khi đến tỉnh, không xuống xe trong quá trình giao nhận.
Tuy nhiên, ngày 16/8/2021 lực lượng chức năng huyện Xuân Lộc đã kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu hai lò giết mổ gia súc nêu trên phải ngừng hoạt động.
Chiều ngày 17/8, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, ông Cao Tiến Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết: “Việc hai cơ sở giết mổ ở huyện Xuân Lộc bị buộc ngừng hoạt động, chúng tôi đã nắm bắt được sự tình. Chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo huyện Xuân Lộc để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, để các cơ sở này sớm được hoạt động trở lại”. |
Ông Hồ Văn Thuận, chủ lò mổ Hưng Thuận cho biết: “Toàn bộ số lợn được tài xế xe tải của Vissan vận chuyển đến lò mổ mỗi ngày khoảng trên 200 con. Thợ giết mổ là người địa phương được Vissan thuê. Sau khi giết mổ, toàn bộ thịt lợn được chất lên xe, niêm phong rồi chở về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Cả tài xế và thợ giết mổ đều được chủ lò kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực trong 72 giờ. Xe tải vận chuyển lợn có đăng ký “luồng xanh”. Các thợ giết mổ khi đến làm việc, chủ lò không thông qua chính quyền địa phương”.
Cùng ngày 16/8, UBND xã Xuân Thọ cũng ra thông báo Tạm dừng hoạt động cơ sở giết mổ Hưng Thuận kể từ 20 giờ ngày 16/8 cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời đề nghị cơ sở Hưng Thuận cho nhân công của cơ sở và những người có tiếp xúc với các công nhân từ Công ty Vissan tạm thời cách ly tại cơ sở. Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ người lao động có liên quan nói trên.
Tương tự, bà Trần Thị Mai chủ lò mổ Hòa Hợp cho biết, trung bình mỗi ngày lò giết mổ 300 con lợn. “Đoàn kiểm tra yêu cầu lò giết mổ ngưng hoạt động và không được gia công mổ lợn cho Vissan. Lý do, vì trong công ty này tại TP Hồ Chí Minh có phát sinh dịch Covid-19. Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng cho rằng số lợn giết mổ này được Công ty TNHH Hoàng Anh Linh nhập từ huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) nơi đang phát sinh dịch bệnh Covid-19. Nếu lò mỏ hoạt động trong tình trạng như vậy, dễ làm lây lan dịch về địa phương. Đó là lý do cơ quan chức năng không cho lò mổ của chúng tôi hoạt động”, bà Trần Thị Mai nói.
Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai trao đổi với lãnh đạo huyện Xuân Lộc để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, để các cơ sở này sớm được hoạt động trở lại
Phải báo cáo với chính quyền địa phương
Chiều ngày 17/8, ông Nguyễn Trường Giang - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết: Tại Điều 4, Thông tư số 09/2016/TT-Bộ NN&PTNT ngày 1/6/2021 quy định yêu cầu đối với động vật đưa vào giết phải khỏe mạnh, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y. Đồng thời động vật có nguồn gốc rõ ràng.
“Cả hai cơ sở giết nói trên có tên trong mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tại Quyết định số 653/QĐ-UBND ngày 25/02/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, về việc Phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hai cơ sở giết mổ này đã được Chi cục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định”, ông Giang cho biết thêm.
Cũng trong chiều ngày 17/8, trao đổi với phóng viên, ông Bạch Thái Bình - Giám đốc CDC Đồng Nai cho hay: “Theo phân luồng để bảo đảm lưu thông hàng hóa được Sở GTVT cấp phép, thì xe và tài xế vẫn được lưu thông đi lại. Việc thợ giết mổ tại cơ sở phải được chính quyền cấp phép, đồng thời phải báo cáo với chính quyền địa phương, để cho chính quyền kiểm soát mới được hoạt động”.
Như vậy có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm tránh tình trạng lây lan dịch bệnh, chính quyền địa phương huyện Xuân Lộc buộc ngừng hoạt động hai cơ sở giết mổ lợn nói trên là kịp thời.
Tuy nhiên, hiện dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh rất phức tạp. TP này đã phải giãn cách xã hội trong thời gian dài, việc cung cấp thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt, tại buổi làm việc với Vissan vào ngày 6/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu công ty này không để đứt gãy nguồn cung thực phẩm thiết yếu phục phụ người dân TP Hồ Chí Minh trong thời điểm giãn cách xã hội. Trong bối cảnh này, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện, hướng dẫn cho các cơ sở giết mổ hoàn thành các thủ tục theo quy định để sớm được hoạt động trở lại.