Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công thương quyết định điều tra sơ bộ thương vụ Grab mua lại Uber tại Việt Nam do có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Thời hạn điều tra là 30 ngày kể từ khi có quyết định.
Ngày 12/4, cơ quan có buổi làm việc với đại diện hợp pháp của Uber tại Việt Nam. Uber cung cấp: Kể từ 23h59 ngày 8/4, Uber chính thức “chia tay” khách hàng Việt và đóng cửa văn phòng. Như vậy, giao dịch mua bán giữa Uber và Grab đã hoàn tất.
Theo quy định trong Luật Cạnh tranh 2004, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30-50% mà không thông báo cho Cục Cạnh tranh trước khi thực hiện và hoàn tất giao dịch, doanh nghiệp sẽ bị phạt đến 10% doanh thu năm tài chính trước. Thậm chí, nếu thị phần kết hợp vượt quá 50%, giao dịch có thể bị cấm thực hiện.
Trước đó, ngày 5/4, Grab lập luận rằng ngay cả khi kết hợp với Uber, thị phần của hãng tại Việt Nam vẫn chưa đạt 30% nên không cần phải thông báo về quá trình này. Cục Cạnh tranh đã yêu cầu giải thích nhưng Grab chưa đưa ra được các căn cứ cụ thể nhằm chứng minh cho tỷ lệ thị phần thấp hơn 30% mà hãng khẳng định.
Vào cuối tháng 3/2018, Grab công bố các thông tin về thương vụ mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Đổi lại, Uber nắm giữ 27,5% cổ phần trong Grab. Mặc dù vậy, có vẻ như thương vụ không được “suôn sẻ”.
Thương vụ sáp nhập giữa Grab và mảng hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của Uber đang vấp phải vướng mắc về pháp lý, khi nhiều quốc gia trong khu vực này cùng mở các cuộc điều tra về chi tiết mua bán.
Cụ thể, nhiều nước trong khu vực cho là có thể tạo thế độc quyền trong thị trường ứng dụng gọi xe ở Đông Nam Á cho Grab và tạo bất ổn trong môi trường cạnh tranh của thị trường này.
Như vậy ngoài Việt Nam, vụ mua bán sáp nhập 1 phần Uber vào Grab tại khu vực Đông Nam Á cũng đang bị điều tra tại Philippines, Singapore và Malaysia. Đây là lần đầu tiên có một công ty trong khu vực đối mặt với những cuộc điều tra đến từ chính quyền nhiều nước.