Tham vọng “lý tưởng hóa hình ảnh của người Việt”
Sinh năm 1978, chị Nguyễn Thị Bích Vân vốn theo học ngành sư phạm tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, năm 2014, trong sự ngỡ ngàng của gia đình và người thân, chị Vân quyết định khởi nghiệp, sản phẩm đầu tiên trong hành trình này của chị là chiếc vali.
Doanh nhân Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Công ty Viên Phúc. Ảnh: Tiểu Thúy
Dám nghĩ dám làm, chị Vân thành lập Công ty Viên Phúc (53 Đặng Văn Ngữ, Phường 14, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh), cùng lúc đó chị tập trung tìm kiếm nguồn hàng, tuyển nhân sự, nghiêm túc dồn toàn bộ tài chính và sức lực cho con đường khởi nghiệp.
“Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, những ngày đầu thật sự rất khó khăn, từ kinh phí hoạt động, đào tạo nhân viên, công tác bảo hành, cho đến vấn đề nhà cung ứng… Tất cả như bóp nghẹt hơi thở của mình mỗi ngày. Lúc đó, dù mệt mỏi, tôi vẫn tự trấn an, cách giải quyết luôn nhiều hơn những khó khăn. Cứ thế hết ngày rồi hết tháng, cho đến lúc công ty có được khoản lợi nhuận đầu tiên, tất cả cảm xúc như vỡ òa, tôi biết mình đang đi đúng đường” - chị Vân kể lại.
Trong kinh doanh, theo chị Vân, ngoài chất lượng sản phẩm, yếu tố quan trọng không kém chính khâu bảo hành. Công ty Viên Phúc luôn nhập dư thêm khóa kéo, bánh xe, cần kéo để sẵn sàng thay thế, bảo hành cho khách hàng khi cần. Nếu là mặt hàng thời trang nhanh, khách hàng có thể thay từ cái này sang cái khác. Còn với sản phẩm là vali, khách hàng thường dùng để mang nặng, mang lâu. Thấu hiểu điều này, Công ty Viên Phúc luôn quan tâm đến chất lượng và độ bền của sản phẩm.
Biết khách hàng cần gì để tận tâm phục vụ
Nhận định mặt hàng vali vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển vì chưa có nhiều nhà phân phối, hàng hóa đa phần được trưng bày trong trung tâm thương mại, trong khi phân khúc lại khá cao khó tiếp cận người tiêu dùng phổ thông. Vì vậy, trong tương lai vali vẫn sẽ là sản phẩm chủ lực của Công ty Viên Phúc.
Doanh nhân Nguyễn Thị Bích Vân (áo dài hồng) trong một chuyến công tác. Ảnh: Tiểu Thúy
“Ngày nay khi cuộc sống phát triển, nhu cầu đi lại gia tăng, vali đã trở thành vận dụng quá đỗi quen thuộc. Bên cạnh người dùng vali để quản lý tư trang, thì lại có những người xem vali là phụ kiện khẳng định đẳng cấp của sự thành đạt. Nhu cầu sử dụng đa dạng, giúp mẫu mã vali mới liên tục ra đời, thị trường không ngừng phát triển” - chị Vân nói.
Mới đây, theo số liệu từ Statista, thị trường phụ kiện du lịch của Việt Nam trị giá 430 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm gần 7% giai đoạn 2023 - 2026. “Công ty Viên Phúc đánh giá, 70 - 80% thị trường này vẫn thuộc về các chợ dân sinh và cửa hàng tự doanh nhỏ lẻ, nằm rải khắp cả nước. Các chuỗi cửa hàng bán lẻ chỉ mới chiếm khoảng 20 - 25%, do đó cơ hội là rất lớn” - chị Vân phân tích.
Trong năm 2024, Công ty Viên Phúc vẫn sẽ tập trung vào phân phối mặt hàng vali, túi du lịch với đa dạng các phân khúc từ trung bình, đến cao cấp, tuy nhiên tất cả đều phải bảo đảm chất lượng tốt hơn hẳn "hàng chợ" cùng giá.
Cùng với đó để đa dạng nguồn hàng, Công ty Viên Phúc tiếp tục mở rộng kinh doanh thêm các sản phẩm khác như: túi, ví, dây nịt… tất cả đều là hàng sản xuất trong nước, gia công hoàn toàn ở Việt Nam.
Ngoài ra, với những sản phẩm mà DN trong nước chưa sản xuất được, Công ty Viên Phúc duy trì nhập và phân phối từ nước ngoài về. Hiện tại, Viên Phúc đang nhận gia công hàng hóa của một số quốc gia như: Canada, Nhật, Mỹ, Pháp…
“Đi lên từ một DN nhỏ, nhờ sự tin yêu của người tiêu dùng trong nước, đến nay Công ty Viên Phúc đã gặt hái được không ít thành công, tạo được chỗ đứng trên thương trường. Chúng tôi biết ơn, và luôn tự nhủ sẽ nỗ lực nhiều, nhiều hơn nữa để đồng hành cùng hàng triệu quý khách hàng trên cả nước” - Giám đốc Công ty Viên Phúc bày tỏ.
Chị Vân chia sẻ: “Một lần tình cờ ra sân bay, tôi quan sát thấy người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, công tác… họ đều rất chỉn chu. Không chỉ chú trọng quần áo, vali đựng hành lý của họ cũng rất đẹp. Trong khi đó, người Việt Nam lại không chú ý đến thời trang, đa phần sử dụng balo, túi xách, thay vì dùng vali. Từ đây, tôi nảy ra ý tưởng kinh doanh vali, với tham vọng “lý tưởng hóa hình ảnh của người Việt” trong mắt bạn bè quốc tế”.