Các doanh nghiệp tại phường Phước Tân (TP Biên Hòa) sẽ phải di dời trong thời gian tới theo chủ trương của tỉnh Đồng Nai.
Thành lập Ban chỉ đạo triển khai kế hoạch di dời
Ngày 1/12/2023, Ban thường vụ Thành ủy Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai kế hoạch di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực tại 2 khu phố Tân Can và Tân Lập (thuộc phường Phước Tân, TP Biên Hòa).
Khu phố Tân Cang và Tân Lập là nơi tập trung hơn 200 doanh nghiệp thành lập công ty, xây dựng nhà xưởng không phù hợp với chủ trương quy hoạch của tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo điều hành chung việc triển khai công tác di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực tại 2 khu phố Tân Cang và Tân Lập (thuộc phường Phước Tân), đảm bảo đúng quy định.
Trước đó, vào tháng 10/2022, UBND TP Biên Hòa cũng đã thành lập đoàn khảo sát thực hiện di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực tại 2 khu phố nói trên. Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lập phương án di dời.
Cụm công nghiệp Phước Tân (thuộc phường Phước Tân, TP Biên Hòa) có diện tích hơn 72 héc ta, được hình thành tự phát hơn 10 năm qua trên đất quy hoạch công viên rừng trồng. Trước năm 2010, nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng trái phép trên cụm công nghiệp này. Rầm rộ nhất vào năm 2013, nhiều cá nhân, doanh nghiệp từ TP Hồ Chí Minh, TP Biên Hòa, huyện Long Thành... đến đây mua đất, phân lô bán nền, lập doanh nghiệp, xây dựng nhà xưởng trái phép.
Một nhà xưởng của doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại khu phố Tân Cang (phường Phước Tân, TP Biên Hòa).
Tháng 12/2017, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 4738/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cụm công nghiệp. Trong việc điều chỉnh này, UBND tỉnh Đồng Nai không trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung cụm công nghiệp Phước Tân vào quy hoạch đất giai đoạn 2015 - 2020.
Tại thời điểm năm 2017, tỉnh Đồng Nai chưa triển khai thủ tục thành lập cụm công nghiệp, nhưng trên thực tế tại 2 khu phố Tân Cang và Tân Lập (phường Phước Tân, TP Biên Hòa) đã có nhiều trường hợp vào xây dựng công trình, nhà xưởng để sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã thống nhất chủ trương không chấp nhận sự tồn tại của cụm công nghiệp không phép Phước Tân. Do đó các doanh nghiệp và nhà xưởng xây dựng trong cụm công nghiệp Phước Tân được lãnh đạo tỉnh cho tồn tại đến cuối năm 2025 phải thực hiện việc di dời.
Theo ghi nhận của Báo Kinh tế và Đô thị, hiện tại trong và ngoài phạm vi cụm công nghiệp Phước Tân 72 héc ta có đến hơn 200 cơ sở, doanh nghiệp (thuộc 2 khu phố Tân Cang và Tân Lập, TP Biên Hòa) hoạt động với đủ ngành nghề như chế biến, gia công, kinh doanh than đá, hóa chất, cơ khí, đồ gỗ, thùng đựng vật liệu…
Doanh nghiệp gặp khó khăn, xin đề xuất nguyện vọng...
Trước hết, chủ trương của tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa về việc thực hiện di dời các doanh nghiệp cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực tại 2 khu phố Tân Cang và Tân Lập (TP Biên Hòa) là hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp cho biết trong thời điểm hiện nay đang gặp phải những khó khăn nhất định trong phát triển sản xuất. Đồng thời các doanh nghiệp cũng bày tỏ những nguyện vọng lên lãnh đạo TP Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai, mong muốn được xem xét, hỗ trợ.
Một nhà xưởng tại khu phố Tân Cang (phường Phước Tân, TP Biên Hòa) được cho là xây dựng không phù hợp với chủ trương của địa phương nên cần phải di dời.
Cụ thể, ông T.V.V (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ngũ Lâm Việt) nêu nguyện vọng: Trong việc thực hiện các thủ tục di dời doanh nghiệp, nhà xưởng sang chỗ khác, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra lộ trình thời gian thực hiện và chủ trương quy hoạch dự án, di dời các doanh nghiệp, nhà xưởng cho phù hợp, giảm bớt thiệt hại.
Đồng thời chính quyền địa phương cũng xem xét tạo điều kiện hỗ trợ để cho doanh nghiệp có sự phối hợp với hệ thống ngân hàng, hợp thức hóa đầy đủ thủ tục pháp lý, thuế, để doanh nghiệp hoạt động hoàn thiện hơn.
Ông P.Q.Đ (Giám đốc Công ty TNHH DP) bày tỏ: “Chúng tôi chấp hành chủ trương di dời các doanh nghiệp không phù hợp với quy hoạch của lãnh đạo TP Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp di dời công ty, nhà xưởng nhưng vẫn giữ được tình hình ổn định sản xuất”.
Một nhà xưởng sản xuất đồ gỗ của doanh nghiệp (tại phường Phước Tân, TP Biên Hòa) sẽ di dời theo chủ trương của địa phương.
Cũng theo đề xuất nguyện vọng của ông P.Q.Đ, sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp cần ít nhất thời gian 3 năm để phục hồi sản xuất. Sau đó cần có thêm khoảng thời gian vài năm để doanh nghiệp tích lũy tiềm lực mới, lúc đó sẽ dễ dàng tiến đến việc di dời doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hiện nay rất mong muốn được di dời đến một nơi phù hợp với điều kiện sản xuất, đảm bảo phát triển kinh doanh.
Một góc khu vực các doanh nghiệp xây dựng trái phép (tại phường Phước Tân, TP Biên Hòa) trong diện sẽ phải bị dời đi trong nay mai.
"Nếu như việc di dời thực hiện quá gấp gáp thì doanh nghiệp sẽ không đủ thời gian để chuẩn bị và sẽ dễ dẫn đến hệ lụy lớn cho các doanh nghiệp. Đó là các doanh nghiệp sẽ dễ rơi vào tình cảnh nợ ngân hàng, nợ xấu...", ông P.Q.Đ cho hay.
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để định hướng, chỉ đạo thực hiện đúng, hạn chế bớt các thiệt hại cho doanh nghiệp, đảm bảo ổn định trong sản xuất, kinh doanh cũng là một trong các nội dung mà trong thòi gian gần đây lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đang thực hiện. Sự thống nhất trong các chủ trương, quyết định của các cấp lãnh đạo có thẩm quyền cũng sẽ góp phần phát huy vai trò của doanh nghiệp trong mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.