Đã có 3 doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh được giải ngân vay vốn với tổng số tiền gần 1,14 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho người lao động. Ảnh:CafeF
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho hay, ngày 16/8 vừa qua, 3 DN tại TP Hồ Chí Minh đã được giải ngân vay vốn với tổng số tiền gần 1,14 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Đó là Công ty TNHH Du lịch Việt Vui với số tiền 132,6 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 10 lao động, Công ty CP Sản xuất – Thương mại Vĩ Nam Việt với số tiền vay 517,65 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 145 lao động và Công ty TNHH Nhà hàng Kingscross được hỗ trợ vay 486,2 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 55 lao động.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Chu Tiến Dũng, nhìn chung các gói hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua có tác động tới DN và một số DN đã tiếp cận được.
Tuy nhiên, còn một số quy định liên quan đến điều kiện để được hỗ trợ vẫn tạo ra rào cản khiến DN khó tiếp cận. DN mong muốn các gói hỗ trợ lần này giảm thật mạnh các thủ tục hành chính, cho phép DN được tự động hưởng mà không phải làm các thủ tục đăng ký nào cả, các cơ quan quản lý chịu trách nhiệm tự động xem xét giải quyết cho DN, như thế sẽ tạo thuận lợi hơn cho DN.
Doanh nghiệp mong muốn các gói hỗ trợ lần này giảm thật mạnh các thủ tục hành chính. Ảnh:VGP
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, các DN bất động sản cần được hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính.
Theo đó, HoREA kiến nghị các ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với khoản vay của DN, trong đó có DN BĐS, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn; tạo điều kiện cho các DN, trong đó có DN BĐS, được tiếp cận khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án và tiếp tục giải ngân vốn cho các hợp đồng tín dụng đã ký.
HoREA đề nghị ngành thuế không phạt nếu quá hạn 90 ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất mà DN chưa kịp đóng. Cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại đến hết năm 2021…
TP Hồ Chí Minh kiến nghị đẩy nhanh giải ngân các khoản vay để bổ sung nguồn vốn cho các DN sản xuất, phân phối hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường và phục hồi sản xuất sau khi dịch được kiểm soát. Ảnh: baodautu.vn
Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất với Chính phủ nhiều giải pháp nhằm duy trì, ổn định sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn phòng chống dịch trong bối cảnh số ca bệnh mỗi ngày vẫn ở mức rất cao.
Trong đó, đặc biệt kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng hỗ trợ miễn giảm lãi suất vay và cho vay mới với hạn mức tín dụng cao hơn cho các DN ngành lương thực, thực phẩm để thu mua và tăng dự trữ tồn kho đối với nguồn nguyên, phụ liệu sản xuất.
Đồng thời, đẩy nhanh quá trình giải ngân các khoản vay; chủ động về nguồn vốn gắn với các chương trình tín dụng ưu đãi, gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi để bổ sung nguồn vốn nhằm thu mua dự trữ nguyên liệu, vật tư hàng hóa dành cho các DN sản xuất, phân phối hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường và phục hồi sản xuất sau khi dịch được kiểm soát.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2021, có gần 80.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số sản xuất tháng 7/2021 so với cùng kỳ của 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 để phòng chống dịch Covid-19 cũng trên đà giảm mạnh. Trong đó, TP Hồ Chí Minh giảm 19,4%, Long An giảm 14,6%, Cà Mau giảm 13,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%. Các tỉnh, thành còn lại đến nay vẫn duy trì đà tăng trưởng dương. Tuy nhiên, với diễn biến bệnh còn phức tạp dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng trong những tháng tới.