Kêu và oan?
Tại “Đơn kêu oan để giải cứu doanh nghiệp” Công ty CP Đầu tư và phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh (Công ty Kim Oanh) cho rằng, đã phải gánh chịu nhiều oan sai, phải đối mặt với nguy cơ phá sản… Khi nói về KĐT-TM-DV Tân Phú, Công ty này cho biết, ngày 02/10/2017 và ngày 06/02/2018, Công ty Kim Oanh Và Công ty Âu Lạc đã ký kết hai hợp đồng với nội dung Công ty Âu Lạc chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn góp trong Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh.
Đơn kêu oan của Công ty Kim Oanh.
Theo đó, Công ty Kim Oanh cũng nói, công ty này giao dịch với một công ty 100% vốn tư nhân (Công ty Âu Lạc - PV) và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật. Theo đó, Công ty Kim Oanh cho rằng, mình là bên thứ ba ngay tình, phải được bảo vệ quyền lợi theo Điều 133 của Bộ luật Dân sự 2015.
Cũng theo đơn này, Công ty Kim Oanh còn thừa nhận là KĐT-TM-DV Tân Phú 43 héc ta đã được thế chấp để vay vốn ngân hàng. Việc thu hồi (dự án) không đúng căn cứ pháp luật sẽ dẫn đến những hậu quả phức tạp khó kường khác.
Công ty Kim oanh cũng không quên đề nghị các cơ quan ban ngành xem xét toàn diện thấu đáo sự việc và các hồ sơ pháp lý liên quan để tháo gỡ khó khăn vướng mắc mà công ty này đang gánh chịu…
Ngay tình…
Ngày 01/7/2010, TCT Bình Dương (thuộc tỉnh ủy Bình Dương) ký hợp đồng liên doanh với Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc để thành lập Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú). TCT Bình Dương góp (trái chủ trương) 43 héc ta đất bằng 60 tỉ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ, Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc góp 140 tỷ đồng giữ 70% vốn điều lệ, để thực hiện dự án KĐT-TM-DV Tân Phú 43 héc ta, tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Ngày 08/12/2016, TCT Bình Dương chuyển nhượng toàn bộ 30% vốn góp là 43 héc ta đất (tương đương 161,1 tỷ đồng) tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.
Và, với hai hợp đồng các ngày 02/10/2017, ngày 06/02/2018 như đơn kêu cứu của Công ty Kim Oanh, thì công ty này đã là chủ Công ty Tân Phú và trở thành chủ đầu tư KĐT-TM-DV Tân Phú 43 héc ta cho đến thời điểm vụ án được khởi tố…
Trở lại với đơn kêu cứu của Công ty Kim Oanh. Trường hợp công ty này có là bên thứ ba ngay tình hay không, cần thời gian điều tra và Kết luận điều tra của vụ án.
Thử tìm hiểu xem Công ty Kim Oanh giao dịch chuyển nhượng 100% vốn của Công ty Âu Lạc để trở thành chủ của Công ty Tân Phú liệu có tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật?
… Sự thật
Sau hơn 2 năm 2 tháng, thương vụ bán Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh không vẫn không có thông ti kê khai trên hệ thống dữ liệu của Cơ quan thuế.
Trên thực tế, giao dịch mua bán giữa Công ty Âu Lạc và Công ty Kim Oanh diễn ra từ tháng 02/2018, tính đến nay đã hơn 2 năm 2 tháng. Về việc mua lại vốn tại Công ty Tân Phú, Giám đốc Công ty Kim Oanh, bà Đặng Thị Kim Oanh cho biết, giá mua ngang với giá vốn của Công ty Tân Phú. Theo bảng cân đối kế toán đến ngày 31/12/2017 của Công ty Tân Phú tổng tài sản là hơn 277,6 tỷ đồng, nợ ngắn hạn hơn 77,6 tỷ đồng; hàng tồn kho là hơn 250 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thông tin từ Chi cục thuế quận 1, TP Hồ Chí Minh (nơi Công ty Âu Lạc, MST: 0310091705, đăng ký thuế) ngày 24/4/2020 xác nhận rằng, ”Căn cứ trên dữ liệu hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) ngày 24/4/2020, thì cơ quan thế chưa có dữ liệu về hoạt động chuyển nhượng của Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc.
Thông tin xác nhận từ Cơ quan thuế cho phép dư luận đặt ra các vấn đề vấn làm rõ:
Theo đó, trường hợp Công ty Âu Lạc bán lại toàn bộ vốn tại Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh cho đến khi vụ việc bị phát hiện là hơn hơn 2 năm 2 tháng chưa kê khai thuế thì:
Nếu, Công ty Âu Lạc đã thu đủ tiền của Công ty Kim Oanh và đã xuất hóa đơn, nhưng “quên” kê khai thuế Thu nhập doanh nghiệp, thì Công ty Âu Lạc sẽ trong trạng thái cố tình kê khai thuế chưa trung thực;
Nếu, Công ty Âu Lạc không xuất hóa đơn cho Công ty Kim Oanh, thì việc Công ty Kim Oanh hoàn thành các thủ tục hành chính cần thiết để làm chủ Công ty Tân Phú cũng cần được làm rõ. Tình huống này Công ty Âu Lạc trong trạng thái trốn thuế?
Ngày 28/01/2018 Công ty Kim Oanh đã làm lễ động thổ dự án KĐT-TM-DV Tân Phú và đã huy động vốn của khách hàng hơn 460 tỷ đồng.
Trước dấu hiệu bất thường khi không có dòng tiền thể hiện trong báo cáo tài chính của Công ty Âu Lạc, liệu đây có phải là cuộc “bắt tay”, dùng giao dịch "ma" trong chuyển nhượng vốn tại Công ty Tân Phú giữa Công ty Âu Lạc với Kim Oanh Group nhằm “qua mặt” cơ quan thuế?
Cả hai tình huống vừa nêu đều đặt ra trách nhiệm của cán bộ quản lý thuế. Đề nghị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh làm rõ sự thật trong vụ mua bán này.
Theo Điều 14 Thông tư 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 18/06/2014, và Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 22/06/2015, thì thu nhập của doanh nghiệp phải chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 20%.
Trong trường hợp này 250 tỷ đồng x 20% = 50 tỷ đồng thuế chưa được thu vào ngân sách. Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định, Tội trốn thuế là tội danh với người nào trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên…
Cho dù việc mua bán giữa Công ty Âu lạc với Công ty Kim Oanh thuộc tình huống nào, thì cũng là hành vi mua bán trốn thuế. Vậy “thương vụ” này liệu có được xem là tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật?
Trong khi đó, một mặt Công ty Kim Oanh đã tự cho mình có pháp nhân “tròn trịa”, ngày 28/01/2018 đã làm lễ động thổ dự án. Với tài liệu chúng tôi có được, chỉ tính từ thời điểm tháng 7/2018 đến hết tháng 10/2019 Kim Oanh Group đã có 615 giao dịch được chuyển tiền qua ngân hàng theo số tài khoản của Công ty Tân Phú với tổng số tiền lên đến hơn 466,4 tỷ đồng (chưa kể lượng giao dịch tiền mặt).
Mặt khác, bà Đặng Thị Kim Oanh, giám đốc Công ty Kim Oanh còn mang hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất BK075229 và BK075230 thuộc dự án KĐT-TM-DV Tân Phú 43 héc ta bảo lãnh thế chấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Nam Kim do con gái bà là Nguyễn Thị Nhung làm đại diện pháp luật, để vay vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Với cùng một tài sản là 43 héc ta đất thuộc KĐT-TM-DV Tân Phú, Công ty Kim Oanh đồng thời vừa thế chấp ngân hàng, lại vừa giao dịch thu hàng trăm tỉ đồng của hàng trăm khách hàng sẽ được chúng tôi phản ánh tên những số báo tiếp theo