Một góc "phố" nuôi chim yến ở huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh. |
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), sau gần 4 năm triển khai Thông tư 35, tình hình quản lý nuôi chim của các địa phương đã có sự chuyển biến tích cực. Trong đó, các địa phương chủ động có kế hoạch triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm phù hợp, hiệu quả đối với đàn chim yến nuôi. Bên cạnh đó, Thông tư 35 đã trở thành công cụ hữu hiệu để đánh giá điều kiện VSATTP đối với cơ sở sơ chế, bảo quản yến.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, trước năm 2013 việc phát triển chim yến ở nước ta còn mang tính tự phát. Tuy nhiên, từ khi Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT quy định tạm thời quản lý nuôi chim yến, nghề nuôi chim yến đã có bước phát triển mạnh mẽ. Trước năm 2013 cả nước có khoảng 2.000 nhà nuôi chim yến nhưng đến nay đã có trên 5.000 nhà nuôi chim yến với tổng đàn gần 216.000 con. Một số địa phương như Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận… có số lượng nhà nuôi chim yến được xây mới tăng khá mạnh.
Theo quy định tại Thông tư 35, chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với Phòng NN&PTNT hoặc Phòng Kinh tế ở các quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh nơi có cơ sở nuôi chim yến. Tuy nhiên, một trong những hạn chế của Thông tư 35 là chưa quy định vị trí nhà nuôi chim yến nên trên 90% nhà nuôi nằm xen kẽ khu dân cư. Chính vì vậy, tại hội nghị, Bộ NN&PTNT tiếp tục lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp để hoàn thiện hơn quy định quản lý nuôi chim yến trong thời gian tới.