Số DN “chết lâm sàng” vẫn tăng cao hơn cùng kỳ năm trước khiến nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại. Mặc dù lượng DN thành lập mới cũng tăng khá nhiều, nhưng việc DN tạm ngừng hoạt động tăng cao đòi hỏi phải xem xét nghiêm túc nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng lên tới hơn 43.200 doanh nghiệp, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lĩnh vực bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô xe máy có số DN “chết lâm sàng” nhiều nhất với hơn 17.700 DN, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng thứ hai là lĩnh vực xây dựng với gần 6.100 DN, thứ ba là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với hơn 5.100 DN tạm ngừng hoạt động.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượng DN đã hoàn thành thủ tục giải thể trong 7 tháng đầu năm nay là hơn 6.600 DN, tăng nhẹ 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy tổng thể DN tạm ngừng hoạt động, giải thể trong 7 tháng đầu năm lên tới gần 50.000 DN, tăng cao hơn cùng kỳ năm trước.
Trước tình hình DN phá sản, tạm ngừng hoạt động tăng mạnh, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xử lý nội dung báo chí nêu liên quan đến hiện tượng doanh nghiệp lập nhiều nhưng cũng bị “khai tử” nhiều có nguyên nhân từ điều kiện kinh doanh gây khó khăn.
Theo Văn phòng Chính phủ, trước đó, báo chí đưa tin hiện tượng doanh nghiệp lập nhiều nhưng cũng bị “khai tử” nhiều trong thời gian vừa qua có nguyên nhân từ điều kiện kinh doanh gây khó khăn cộng với quyền hành xử của cơ quan thực thi, tạo ra chi phí lớn khiến doanh nghiệp không thể vượt qua...
Theo Tổng cục Thống kê, số DN thành lập mới trong 7 tháng đầu năm là gần 73.000 DN, tăng cao so với cùng kỳ năm trước cả về số lượng DN cũng như số vốn đăng ký.
Trong đó, dù có số lượng DN “chết lâm sàng” nhiều nhất song lĩnh vực bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô xe máycũng chính là lĩnh vực có nhiều DN thành lập mới nhất với hơn 25.900 DN, chiếm tới 35,5% tổng số doanh nghiệp thành lập mới.