Giữ tình hình tài chính lành mạnh, kiểm soát tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn cung ứng đủ vốn cho lĩnh vực ưu tiên, chung tay cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “làm bà đỡ” thực thi quá trình hợp nhất, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng…
Đột phá các dịch vụ ngân hàng
Tính đến 31/12/215, tổng tài sản BIDV có quy mô dẫn đầu thị trường, đạt trên 857.000 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với năm 2014; vốn điều lệ đạt trên 34.000 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt trên 799.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 22% so với năm 2014; tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,71%; tín dụng bán lẻ tăng trưởng 44%, chiếm 22,7% tổng dư nợ. Tổng nguồn vốn huy động đạt gần 793.000 tỷ đồng, tăng trưởng 26%; lợi nhuận trước thuế đạt 7.036 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước.
Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đánh cồng khai trương niêm yết cổ phiếu BIDV lên sàn HOSE
Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT BIDV khẳng định, mức tăng trưởng của BIDV trong 5 năm vừa qua rất ấn tượng, đồng đều và toàn diện ở cả các chỉ tiêu tổng tài sản, huy động vốn, tín dụng, bán lẻ, dịch vụ... với mức tăng trưởng cao (bình quân 17%/năm); nguồn vốn huy động tăng trưởng tốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản. Phát huy vai trò của một định chế tài chính hàng đầu, cùng với việc chủ động thực hiện đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, trong 5 năm qua, BIDV cũng triển khai đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, tiên phong “mở đường” trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện. BIDV đã hiện diện thương mại tại 6 quốc gia, gồm: Lào, Campuchia, Myanmar, Czech, Nga, Đài Loan (Trung Quốc). BIDV cũng khởi xướng, đồng tổ chức 13 chương trình hợp tác kinh tế quốc tế để chuẩn bị sẵn sàng cho việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở cửa Cộng đồng ASEAN, kết nối thị trường EU, đặt dấu ấn tại thị trường Đông Bắc Á; xây dựng và thực hiện hiệu quả chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó tiến tới năm 2018 cơ bản đạt được nền tảng của một “ngân hàng đạt chuẩn ASEAN”.
Đơn vị chủ lực tái cơ cấu
Là ngân hàng hàng đầu trong thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, giai đoạn 2010 - 2015, BIDV được NHNN lựa chọn là đơn vị chủ lực thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành ngân hàng. Năm 2011, được NHNN giao trách nhiệm tham gia quá trình hợp nhất 3 ngân hàng TMCP (Sài Gòn, Đệ nhất, Tín nghĩa). Đến nay, các ngân hàng hợp nhất đã hoạt động ổn định, có hiệu quả. Đặc biệt sau 55 ngày khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc các quy định pháp luật hiện hành, ngày 25/5/2015 BIDV đã hoàn thành việc sáp nhập MHB. “Đến nay, BIDV đã hoàn thành vượt mức các mục tiêu kế hoạch tái cơ cấu theo Quyết định 41/QĐ - NHNN, các chỉ tiêu cơ cấu, chất lượng hoạt động đều đáp ứng yêu cầu của NHNN. Về mạng lưới hoạt động, BIDV có 182 chi nhánh cấp 1 và gần 800 phòng giao dịch trên khắp cả nước, tăng 63 chi nhánh và 284 phòng giao dịch so với năm 2011. Nhờ đó, thế và lực của BIDV đã được cải thiện và nâng tầm mạnh mẽ” - ông Hà nhấn mạnh.
Với những nỗ lực trong giai đoạn vừa qua, BIDV được các tổ chức định hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s và S&P đánh giá có triển vọng ổn định, nằm trong nhóm các ngân hàng có bậc xếp hạng tín nhiệm cao nhất Việt Nam; được Forbes bình chọn là một trong 2.000 DN lớn nhất thế giới. BIDV cũng đã vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN, liên tục trong nhiều năm liền được vinh danh là một trong 10 DN nộp thuế lớn nhất Việt Nam, 5 năm qua BIDV đã nộp hơn 8.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Theo KTĐT