Đâu là nguyên nhân của sự khác biệt? Bệnh viện FV đã lý giải như thế nào khi có kết quả xét nghiệm trái ngược với Viện Paster TP?
Phương pháp khác nhau, nên kết quả khác nhau?
Bệnh viện FV "phân bua" thực hiện xét nghiệm Covid-19 trên mẫu do phòng khám quận 2 lấy, FV hoàn toàn không trực tiếp tiếp nhận bệnh nhân người Indonesia.
Như Tieudung.vn đã thông tin trước đó, ngày 1/7, Công ty TNHH Y Tế Viễn Đông Việt Nam (Bệnh viện FV, số 6 Nguyễn Lương Bằng, Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh) ra công văn số 415-2020/FVH-MKT về việc “khẩn cấp đính chính thông tin liên quan đến bài báo “Bệnh viện FV phát hiện một người nước ngoài dương tính với Covid-19”, …
Bệnh viện FV cho biết, bệnh nhân đã đến khám tại một phòng khám ở quận 2 nhưng do phòng khám không đủ điều kiện xét nghiệm Covid-19 nên phòng khám đã lấy mẫu và chuyển mẫu sang Bệnh viện FV (đơn vị được Bộ Y tế cấp phép xét nghiệm Covid-19) để làm xét nghiệm vào sáng ngày 30/6. Đến 18h cùng ngày (30/6), sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính nhẹ, Bệnh viện FV đã trả kết quả cho phòng khám gửi mẫu, đồng thời thông tin cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) và Sở Y tế TP.
Tuy nhiên, thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sáng ngày 2/7 lại cho biết, kết quả xét nghiệm của Viện Paster TP Hồ Chí Minh khẳng định bệnh nhân người Indonesia và 145 trường hợp tiếp xúc gần đều âm tính với virus SARS-CoV-2.
Sau những thông tin trái ngược nói trên, nhiều thắc mắc được đặt ra, rằng tại sao kết quả xét nghiệm ban đầu từ "dương tính nhẹ" lại chuyển sang âm tính?
Giải thích về vấn đề này, Bệnh viện FV, đơn vị đầu tiên xét nghiệm cho bệnh nhân Indonesia cho biết, xét nghiệm PCR không phải là xét nghiệm để tìm thấy cả con virus sống mà chỉ có thể tìm các đoạn gene đặc hiệu của virus trong mẫu bệnh phẩm.
Bởi vậy, việc mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân có phản ứng PCR dương tính với các gene đặc hiệu của virus SARS-CoV-2 không thể khẳng định bệnh nhân đang nhiễm Covid- 19.
Thứ hai, Covid-19 có thời gian ủ bệnh từ vài ngày cho tới 2 tuần. Trong hơn 3 tháng qua, nước ta không ghi nhận ca bệnh nào trong cộng đồng. Bệnh nhân người Indonesia ở Việt Nam từ đầu tháng 3, vì thế không thể là ca bệnh đang nhiễm.
Các nghiên cứu cho thấy, virus SARS-CoV-2 sau khi chết sẽ đào thải ra các mảnh protein vỡ. Quá trình này có thể kéo dài nhiều tuần lễ, phụ thuộc vào cơ địa cũng như một số thuốc bệnh nhân có thể đã sử dụng.
Tại Việt Nam, hiện có hai chiến thuật xét nghiệm Covid-19 được Bộ Y tế phê duyệt, bao gồm sử dụng gene đích là gen N, một gen đặc hiệu của SARS-CoV-2 và sử dụng gene mục tiêu E.
Bệnh nhân Indonesia nói trên ban đầu được áp dụng chiến thuật xét nghiệm đầu tiên. Kết quả dương tính nhẹ với Gene N và Gene RdRP cho phép kết luận mẫu bệnh phẩm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Cũng trên bệnh nhân này, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã tiến hành lấy một mẫu bệnh phẩm khác để chạy xét nghiệm PCR theo chiến lược 2 với gene mục tiêu là gene E. Do không phát hiện thấy gene E mục tiêu, mẫu được kết luận là “âm tính” hay không phát hiện thấy gene E trên mẫu bệnh phẩm mới này.
Bệnh viện FV (số 6 Nguyễn Lương Bằng, Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh) là đơn vị đầu tiên thông tin bệnh nhân người Indonesia "dương tính nhẹ" với Covid-19.
Một điểm khác cần lưu ý, những xét nghiệm về huyết thanh học cho thấy, mẫu máu của bệnh nhân kể trên dương tính kháng thể lớp IgG (được hiểu là đã từng bị bệnh) và âm tính với kháng thể lớp IgM (dùng xác định đợt nhiễm trùng cấp).
Kết hợp với các mẫu xét nghiệm phát hiện gene N, Gene RdRp và không thấy gene E, có thể kết luận đây là một ca đã bị bệnh từ trước đó, nay không còn hoạt tính của virus. Hay nói cách khác là trường hợp Covid-19 đã khỏi bệnh.
Điều này cũng giải thích vì sao tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới có hiện tượng xét nghiệm PCR tái “dương tính” của các ca bệnh sau khi đã được chữa khỏi Covid -19.
Với cách lý giải này, Bệnh viện FV nhấn mạnh hai vấn đề: Thứ nhất, phương pháp xét nghiệm khác nhau giữa FV và Viện Paster TP Hồ Chí Minh; Thứ hai, Bệnh viện FV kết luận, kết hợp với các mẫu xét nghiệm phát hiện gene N, Gene RdRp (FV xét nghiệm) và không thấy gene E (Viện Paster xét nghiệm), có thể kết luận đây là một ca đã bị bệnh từ trước đó, nay không còn hoạt tính của virus. Hay nói cách khác là trường hợp Covid-19 đã khỏi bệnh.
Song, với cách lập luận này, Bệnh viện FV có thật sự thuyết phục được dư luận?
Công nhân Indonesia chưa từng nhiễm Covid-19?
Liên quan đến bệnh nhân nói trên, sáng ngày 2/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, bệnh nhân người Indonesia được xác định là nam giới (Tên AJI), sinh 1989.
Theo đó, ông AJI nhập cảnh vào Việt Nam ngày 11/3/2020 qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, lưu trú tại tầng 2, Khách sạn Âu Lạc, phường Mỹ Phước, Thị xã Bến Cát; là kỹ sư máy cho Nhà máy số 4, Công ty Kyungbang tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, Thị trấn Lai Uyên, cách Khách sạn lưu trú 20km, sáng đi tối về bằng xe đưa rước riêng hàng ngày của công ty.
Trong quá trình ở Việt Nam từ 11/3/2020 đến nay, ông AJI có sức khỏe bình thường, chủ yếu sinh sống và đi lại từ khách sạn đến nơi làm việc.
Ngày 30/6, bệnh nhân cùng đồng nghiệp đến phòng khám ở quận 2 để xét nghiệm SARS-CoV-2, nhằm hoàn tất thủ tục xác nhận không nhiễm Covid-19 để về nước.
Từ các thông tin trên có thể thấy,việc Bệnh viện FV kết luận bệnh nhân Indonesia là một ca đã bị bệnh từ trước đó, nay không còn hoạt tính của virus, hay nói cách khác là trường hợp Covid-19 đã khỏi bệnh liệu có thiếu căn cứ?
Ngay sau khi được Bộ Y tế cấp phép, Bệnh viện FV công khai quảng cáo thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu (ghi nhận ngày 8/4).
Vì sao?
Thứ nhất, tính đến nay, cả nước có tất cả 355 ca nhiễm Covid-19, để dễ phân biệt, mỗi bệnh nhận đều được Bộ Y tế đánh dấu theo số thứ tự lần lượt từ BN1, BN2,…BN355. Ngày 2/7, với cách thông tin, ông AJI là ca nghi nhiễm Covid-19 mới, có thể khẳng định Bộ Y tế chưa xác nhận ông AJI là 1 trong 355 ca nhiễm trên cả nước, nên không thể có chuyện ông này bị tái dương tính trở lại.
Thứ hai, với tất cả các trường hợp nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, sau khi điều trị khỏi và xuất viện, người bệnh vẫn phải nghiêm túc chấp hành việc cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Do đó, với thông tin, trong quá trình ở Việt Nam từ 11/3/2020 đến nay (gần 4 tháng), ông AJI có sức khỏe bình thường, chủ yếu sinh sống và đi lại từ khách sạn đến nơi làm việc. Từ đây, tiếp tục loại bỏ suy đoán ông AJI là trường hợp nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh và bị tái dương trở lại.
Thứ ba, ông AJI nhập cảnh vào Việt Nam ngày 11/3/2020 qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Song trước đó, từ 6h ngày 7/3, đã có yêu cầu bắt buộc khai báo y tế điện tử với tất cả khách nhập cảnh Việt Nam.
Như vậy hiển nhiên, ông AJI cũng đã phải khai báo y tế đầy đủ để được nhập cảnh. Trong trường hợp, ông AJI đã từng nhiễm Covid-19 trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, chắc chắn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 hoặc HCDC phải nắm và có biện pháp giám sát, theo dõi để tránh nguy cơ người bệnh tái dương tính với Covid-19, gây lây lan trong cộng đồng. Với việc, xếp ông ông AJI vào trường hợp nghi nhiễm mới, có thể khẳng định khai báo y tế trước đó của ông này hoàn toàn không liên quan đến Covid-19.
Thứ tư, mục đích ông AJI làm xét nghiệm SARS-CoV-2, nhằm hoàn tất thủ tục xác nhận không nhiễm Covid-19 để về nước. Điều này cho thấy, ông AJI xét nghiệm không phải vì có yếu tố dịch tễ hay tiếp xúc với người nhiễm Covid-19.
Thứ 5, 145 người được xác định tiếp xúc gần với ông AJI cũng có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Thứ 6, cộng dồn tất cả các phân tích bên trên, cùng với khẳng định ông AJI âm tính với Covid-19 do Viện Paster TP Hồ Chí Minh xét nghiệm, một lần nữa cho thấy, lập luận cho rằng ông này thuộc trường hợp Covid-19 đã khỏi bệnh, để giải thích cho kết quả xét nghiệm dương tính nhẹ mà Bệnh viện FV đưa ra là thiếu tính thuyết phục.
Vẫn biết rằng, thông tin bệnh nhân Indonesia âm tính với virus SARS-CoV-2 là tin vui với TP Hồ Chí Minh nói riêng, và cả nước nói chung. Tuy nhiên, qua vụ việc lần này, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận lại những bất cập từ đâu mà có.
Ngay từ đầu, việc Bệnh viện FV nhận mẫu từ một phòng khám ở quận 2, rồi tiến hành xét nghiệm Covid-19 trên mẫu này có dấu hiệu 2 cơ sở “bắt tay” thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu. Hành vi này đi ngược lại với chỉ đạo không xét nghiệm Covid-19 mà Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã ký trong công văn khẩn 1983/CV-BCĐ, ngày 9/4/2020.
Là bệnh viện ngoài công lập đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Y tế tin tưởng cho phép thực hiện và công bố kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, đến lúc này với việc cố chấp, hết lần này đến lần khác “lộ dấu hiệu” thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu, Bệnh viện FV liệu có xứng đáng?