Ông Đàm Quang Thắng
|
Số lượng các startup thời điểm này lên đến hơn 3.000, số lượng các thương vụ được đầu tư tăng từ 92 vụ trị giá khoảng 291 triệu USD năm 2017 lên đến hơn 400 triệu USD năm 2018...
Đây là chia sẻ của Cố vấn cao cấp chương trình startup quốc gia Đàm Quang Thắng với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị. Theo ông Thắng, để có được tinh thần startup, startup ĐMST mạnh mẽ và hiệu quả như hiện nay phải nói đến sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo và định hướng của Thủ tướng Chính phủ.
Bắt đầu là từ chính sách
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2018 các startup, startup ĐMST Việt đã có những tiến bộ vượt bậc thể hiện tiềm năng và cơ hội phát triển. Ông có thể khái quát những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ trong thời gian qua?
- Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tinh thần startup tại Việt Nam hiện đã được lan toả sâu và rộng đến mọi đối tượng, nhiều thành phần và lĩnh vực. Năm 2016 đã được Chính phủ chọn ra là năm Quốc gia Khởi nghiệp và nhiều chính sách hỗ trợ, hành lang thông thoáng, cởi mở trên tinh thần Chính phủ kiến tạo đã được ban hành. Điển hình là Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Quốc gia đến năm 2015” và Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ. Với những chính sách của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương nhằm thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, startup của Việt Nam đã có những bước ngoặt thể hiện tiềm năng và cơ hội phát triển.
Cụ thể như số lượng các startup thời điểm này lên đến hơn 3.000, số các thương vụ được đầu tư tăng từ 92 vụ trị giá khoảng 291 triệu USD năm 2017 lên đến hơn 400 triệu USD năm 2018. Đặc biệt, có nhiều startup series D được đầu tư như Topica, Tiki, Foody... Một dấu ấn nữa là, thông qua các hoạt động ĐMST, startup ĐMST thì Việt Nam đã có mức tăng trưởng đến 12 bậc về chỉ số ĐMST GII lên 47/127 năm 2017 so với năm 2016.
Việc thành lập các quỹ hỗ trợ đã giúp các DN startup như thế nào, và các DN sau thành công quay lại hỗ trợ cho DN startup không, thưa ông?
- Một trong những vấn đề của các DN startup là vốn, nhất là với đặc thù của startup ĐMST vốn lại càng quan trọng. Có thể là vốn đầu tư thiên thần, hay đầu tư mạo hiểm tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của các startup. Thông qua các hoạt động của Đề án 844 do Bộ KH&CN chủ trì đã rất nỗ lực xây dựng mạng lưới các nhà đầu tư, các hoạt động rất thiết thực như TechFest Quốc gia hàng năm để hỗ trợ các startup tiếp cận với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Việc ra đời Nghị định 38/2018-NĐ-CP quy định chi tiết về việc đầu tư cho DN nhỏ và vừa, startup ĐMST cũng sẽ là một bước ngoặt mới để hình thành lên các quỹ đầu tư trong nước trên cơ sở những nguồn vốn từ những cá nhân, DN. Các quỹ đầu tư này nếu được thành lập sẽ tạo lên một thị trường cho lĩnh vực startup, góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy tinh thần startup.
Còn về phía các startup đã tận dụng gì từ những chính sách đó để biến ý tưởng thành hiện thực?
- Theo tôi, các startup nên thông qua các tổ chức trung gian để tiếp cận với những chính sách và các hoạt động này để tăng thêm sự chia sẻ, kết nối các nguồn lực trong xã hội cho các ý tưởng, sản phẩm và dịch vụ của mình.
Cần có lối đi riêng
Hà Nội được ghi nhận có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho DN startup gia nhập thị trường, ông đánh giá thế nào về nhận định này?
- Hiện, Hà Nội đã và đang rất nỗ lực cải thiện nhằm thông thoáng môi trường kinh doanh, hỗ trợ các DN startup thông qua các hoạt động của các sở, ban, ngành, để góp phần thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ với mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là có ít nhất 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả, có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Như vậy, với mục tiêu là 400.000 DN của Hà Nội thì cần có những giải pháp hiệu quả để hỗ trợ cho các DN đã và đang hoạt động làm sao có hiệu quả, phát triển bền vững, khai thác những lợi thế để khuyến khích các DN startup phát huy những sáng tạo, ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh sáng tạo làm gia tăng những giá trị, sản phẩm, dịch vụ của Thủ đô. Bên cạnh đó, cần có những chính sách đặc thù và những chính sách này phải dựa trên những nhu cầu, tình hình thực tế để hỗ trợ cho các DN, DN startup.
Theo ông, để có thể hỗ trợ startup thành công, điều gì sẽ là mấu chốt trong năm 2019 và những năm tiếp theo?
- Cơ chế, chính sách và môi trường vẫn là những điểm mấu chốt cho năm 2019 và những năm sau. Để có một thị trường startup, có được các DN startup giá trị cao, các sản phẩm và giải pháp tốt nhất cho thị trường, vấn đề vẫn nằm ở cơ chế chính sách và môi trường. Hiện rất nhiều DN startup đang vướng vào nhiều vấn đề như vốn đầu tư nước ngoài, vốn cộng đồng, M&A.... nhưng thời gian và thủ tục quá dài. Do đó, cần có lối đi riêng, thị trường riêng cho các DN và sản phẩm startup, nhất là startup sáng tạo để làm sao các DN startup có được nhiều ý tưởng, giải pháp, nhiều cơ hội để ứng dụng các giải pháp đó ra phục vụ thị trường một cách nhanh và ổn định nhất.
Khi thực hiện các chính sách thì cần phải có sự đồng bộ và nhất quán giữa các bên thực thi, nhất là đối với startup và đặc biệt là các chính sách liên quan đến startup ĐMST. Thông qua các buổi tọa đàm, tôi thấy Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất chú trọng đến việc thực thi các chính sách của các bộ ngành, các địa phương cũng đã đưa ra được rất nhiều các chính sách hỗ trợ các DN startup theo đặc thù và thế mạnh của địa phương. Các chính sách và hỗ trợ của Nhà nước sẽ mang tính chất "mồi" hoặc tạo điều kiện rất tốt cho các DN hoàn thiện và phát triển sản phẩm cũng như thị trường.
Xin cảm ơn ông!