Chuyên gia, DN và người dân đồng loạt phản đối
Mới đây, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2023 đến trước ngày 27/4/2024.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Luật Kinh doanh BĐS số 29/2023/QH15 đề cập rõ các cá nhân kinh doanh BĐS quy mô nhỏ thì không phải thành lập DN kinh doanh BĐS nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Để xác định rõ điều kiện "quy mô nhỏ”, Bộ Xây dựng đã đề xuất 3 phương án tại Khoản 1 Điều 7 Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS 2023 mà Bộ đang tổ chức lấy ý kiến, như sau:
Phương án 1 quy định cá nhân kinh doanh BĐS quy mô nhỏ bao gồm: cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua nhà ở có sẵn, nhà ở hình thành trong tương lai từ 3-5 nhà ở hoặc 3-5 căn hộ chung cư, trong 1 năm.
Sau khi nhận về nhiều ý kiến trái chiều, Bộ Xây dựng chính thức bỏ đề xuất mỗi người chỉ được bán, cho thuê 3-5 căn nhà/năm. Ảnh: Tiểu Thúy
Cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua công trình xây dựng có sẵn, công trình xây dựng hình thành trong tương lai từ 5-10 công trình xây dựng hoặc 5-10 phần diện tích sàn trong công trình xây dựng, trong 1 năm.
Phương án 2 quy định cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định có diện tích từ 1.000 - 2.000m2 đối với đất tại khu vực đô thị; từ 3.000 - 5.000m2 đất tại khu vực nông thôn; từ 1.000 - 2.000m2 sàn xây dựng đối với nhà ở, công trình hỗn hợp có nhà ở; từ 3.000 - 5.000m2 sàn xây dựng đối với công trình xây dựng không có nhà ở.
“Không thể ràng buộc cá nhân về kinh doanh BĐS với số lượng cụ thể là 3 hay 5 căn nhà trên một năm, thay vào đó nên quản lý về giá trị doanh số. Cách đơn giản nhất là với mỗi cá nhân đưa ra quy định cụ thể doanh số kinh doanh ở mức bao nhiêu thì phải thành lập DN, vừa rõ ràng, vừa dễ làm, lại không làm lộ bí mật kinh doanh của cá nhân đó” - Luật sư Lê Thu Thảo - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh |
Phương án 3 quy định cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ từ 2 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ theo quy định tại khoản 3, điều 57, Luật Nhà ở 2023. Cá nhân bán, cho thuê nhà ở có nguồn gốc từ nhận thừa kế hoặc nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết mà cá nhân được các bên trao tặng.
Ngay lập tức, đề xuất mà Bộ Xây dựng đưa ra đã gặp phải những ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội. Trong đó, riêng quy định mỗi cá nhân chỉ được bán, cho thuê tối đa 5 căn nhà/năm của Bộ Xây dựng là bị phản đối gay gắt nhất. Hầu hết các chuyên gia và DN BĐS đều cho rằng, đề xuất này không khả thi và sẽ càng làm trầm trọng thêm vấn đề sở hữu nhà ở. Thậm chí đang có dấu hiệu vi phạm quyền tự do kinh doanh của người dân, gây lo ngại về tự do kinh doanh đối với cá nhân trong lĩnh vực BĐS, đặc biệt là những người có tài chính lớn và nhu cầu đầu tư lớn.
Bộ Xây dựng lắng nghe và sửa đổi
Sau khi nhận về hàng loạt phản hồi không mấy tích cực, ngày 5/3, trong dự thảo lần 2 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS Bộ Xây dựng đã bỏ đề xuất quy định mỗi cá nhân kinh doanh BĐS chỉ được bán, cho thuê, cho thuê mua từ 3 - 5 căn nhà trong 1 năm.
Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Công ty môi giới BĐS ở TP Hồ Chí Minh Phạm Hữu Hiền chia sẻ, ủng hộ và đánh giá cao động thái lắng nghe, tiếp thu ngay các ý kiến và có sự điều chỉnh kịp thời là bỏ đề xuất để đảm bảo quyền kinh doanh của người dân: “Tôi tin rằng hành động nhanh chóng của Bộ Xây dựng không chỉ xuất phát từ việc biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân, mà còn xuất phát từ cách làm việc mạnh dạn, thẳng thắn trước những góp ý, phê bình chính đáng, trung thực của nhân dân để giải quyết kịp thời, thỏa đáng những định hướng chưa phù hợp” - ông Hiền nhận xét.
Đồng quan điểm, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cũng cho rằng, hành động nhanh chóng bỏ đề xuất của Bộ Xây dựng là cần thiết. Điều này giúp trấn an dư luận, khiến cộng đồng DN kinh doanh BĐS và người dân cảm nhận rõ ràng họ được tôn trọng ý kiến, lắng nghe tâm tư và nguyện vọng: “Từ đề xuất để có thể thành công đi vào thực tế thì trước hết phải phù hợp với số đông người dân và định hướng của Nhà nước, trên tinh thần tất cả các bên cùng có lợi. Vì vậy, khi đề xuất không phù hợp, thiếu tính toàn diện thì việc bãi bỏ là cần thiết” – ông Quang nói.
Ủng hộ chủ trương quản lý việc cá nhân kinh doanh BĐS quy mô nhỏ, song TS kinh tế Đinh Thế Hiển nhấn mạnh, Bộ Xây dựng bỏ đề xuất kịp thời là hành động quyết đoán, đáng hoan nghênh.
“Thực tế thị trường BĐS đã chứng minh, quản lý không đồng nghĩa là “bóp nghẹt” quyền kinh doanh của người dân. Hơn nữa, số lượng cá nhân có thể giao dịch từ 3-5 căn nhà trong một năm theo đề xuất trước đó của Bộ Xây dựng là không nhiều, thậm chí chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, cần có phương án khác để điều chỉnh cho hợp tình, hợp lý” - ông Hiển ý kiến.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Thu Thảo – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nhận định, quy định khống chế về mặt số lượng, diện tích như đề xuất trong dự thảo lần 1 của Bộ Xây dựng vẫn sẽ có những tác dụng tích cực nhất định với thị trường BĐS như: Góp phần làm minh bạch, rõ ràng hơn tiêu chí được coi là kinh doanh quy mô nhỏ của các cá nhân kinh doanh BĐS; hạn chế tình trạng đầu cơ đất, “lướt sóng” BĐS...Tuy nhiên khi áp dụng trên thực tế sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý về công tác theo dõi, thống kê, giám sát.
“Nếu đề xuất cũ được áp dụng, không khó để nhà đầu tư có nhiều vốn, đang sở hữu nhiều BĐS né tránh ngưỡng tối đa 3-5 căn nhà bằng cách "lách luật" là nhờ người khác đứng tên. Điều này sẽ kéo nhiều hệ lụy, tranh chấp không đáng có, gây tiêu cực cho thị trường BĐS. Chưa kể, về lâu dài nguy cơ làm chậm tiến trình phục hồi của thị trường” - Luật sư Lê Thu Thảo nói và nhấn mạnh, may mắn là Bộ Xây dựng đã lắng nghe và kịp thời đổi ý.
"Nhu cầu mua bán BĐS là nhu cầu chính đáng, do đó khi thị trường vận hành và cá nhân mua bán theo đúng quy định pháp luật thì không nên cấm. Nhà nước giữ vai trò quản lý, nhưng phải trên tinh thần xây dựng thị trường tự do để phát triển kinh tế, cân bằng hợp lý giữa kiểm soát và khuyến khích sự phát triển. Tuyệt đối không nên can thiệp“thô bạo, mà phải tạo điều kiện để thị trường BĐS vận hành tự nhiên, sớm phục hồi và phát triển bền vững" - anh Nguyễn Thanh Huy (ngụ quận 3, TP Hồ Chí Minh). |