Theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 đã được sửa đổi, trong giai đoạn tới, Ninh Thuận sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng để tỷ lệ đô thị hóa đạt 45%.
Ninh Thuận cần hơn 9.380 tỷ đồng cho các dự án trong kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm. Ảnh: Trung Nhân
Trong đó, địa phương dành nguồn lực đầu tư cho khu vực phía Nam tỉnh (hạ tầng kết nối vùng về giao thông, khu công nghiệp Phước Nam, khu công nghiệp Cà Ná, khu cảng tổng hợp Cà Ná, ….).
Đồng thời, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển 9 đô thị ( gồm: 1 đô thị loại II là TP Phan Rang - Tháp Chàm; 2 đô thị loại IV là đô thị Tân Sơn, huyện Ninh Sơn và đô thị Phước Dân, huyện Ninh Phước; 6 đô thị loại V: Khánh Hải, Lợi Hải, Phước Đại, Phước Nam, Cà Ná và Thanh Hải). Đặc biệt là các đô thị có vai trò là hạt nhân cấp vùng để thúc đẩy sự phát triển đô thị, phát triển kết nối du lịch, thương mại, dịch vụ.
Để đạt được kế hoạch trên, giai đoạn 2021- 2025 tỉnh sẽ đầu tư hơn 9.380 tỷ đồng cho các dự án trong kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm. Cụ thể gồm các dự án giao thông như đường nối cao tốc Bắc - Nam với đường liên vùng các tỉnh Nam Trung Bộ, đường nối huyện Ninh Sơn đi huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), hạ tầng cảng biển tổng hợp Cà Ná và hệ thống giao thông kết nối cảng với đường liên vùng lên Nam Tây Nguyên.
Cùng với đó, Ninh Thuận cần khoảng 61.376 tỷ đồng từ các dự án cần bổ sung gồm giao thông, cảng, hàng không 47.230 tỷ đồng; thủy lợi 4.934 tỷ đồng; cấp nước 300 tỷ đồng; thoát nước thải 861 tỷ đồng; điện và năng lượng 8.051 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết giai đoạn 2021 – 2025 sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư 104 khu đô thị và khu dân cư tại TP Phan Rang – Tháp Chàm và 6 huyện trên địa bàn. Trong đó, TP Phan Rang – Tháp Chàm có 29 dự án, huyện Ninh Sơn 5 dự án; huyện Ninh Phước 8 dự án; huyện Ninh Hải 29 dự án; huyện Thuận Bắc 15 dự án; huyện Bác Ái 5 dự án và huyện Thuận Nam 13 dự án.
Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, việc điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 là cơ sở pháp lý cho các cơ quan, ban ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị và nông thôn, kết cấu hạ tầng đảm bảo liên kết, thống nhất với quy hoạch của tỉnh, các quy hoạch ngành.