Từ khi Quyết định 33/2014 của UBND TP Hồ Chí Minh quy định về diện tích tối thiểu sau khi tách thửa được ban hành, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã lách luật chia lô, tách thửa để có đủ “hàng” cung cấp cho thị trường. Như vậy đồng nghĩa với việc người mua đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro.
Muôn kiểu lách luật
Theo Quyết định 33, diện tích tối thiểu có thể tách sổ ở Thủ Đức là 60m2; quận 9 là trên 60m2 với mặt tiền đường rộng từ 7 - 9m, thay vì 50m2 như Quyết định số 19/2009.
Một “dự án” đất nền phân lô tại quận 9, với các căn nhà xây tạm được đập bỏ, hạ tầng được đầu tư sơ sài (Ảnh: Việt Dũng). |
Quy định về diện tích được tách thửa của Thành phố đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt là người dân vùng ven. Bởi quy định cho phép hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở và có nhu cầu tách thửa do tách hộ, giải quyết khó khăn về nhà ở.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã lợi dụng việc này, nhờ cá nhân đứng tên một khu đất lớn, sau đó xin tách thửa để chia lô, bán nền, mà không cần phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật bài bản như quy định.
Anh Nguyễn Ngọc Anh, một người từng phân lô tách thửa và chuyển nhượng nền đất ở quận 9 chia sẻ: “Là dân trong nghề nên tôi nắm rõ. Hiện tại, cũng có một số công ty mượn người dân đứng tên để xin tách thửa bán nền và làm hạ tầng theo kiểu cho có, rất cẩu thả. Chỉ sau một thời gian ngắn, đường sá đã bị hư hỏng hết, rất tội cho người mua sau này”.
Ngoài việc mượn người dân đứng tên, một số doanh nghiệp còn lách luật bằng cách xin giấy phép và xây một căn nhà tượng trưng trên lô đất đã được chuyển đổi. Sau đó, chủ đầu tư xin tách thửa, bán cho người mua, những căn nhà tạm bợ này sẽ được dỡ bỏ và công ty giao nền đất cho khách.
Còn một số chủ đầu tư, để tránh việc phải đầu tư hạ tầng cho dự án, đã chọn phương án đầu tư vào những dự án có đường hiện hữu được cập nhật trong sổ. Với những dự án ở khu vực này, chủ đầu tư chỉ cần chỉnh trang, cơi nới mở rộng thêm con đường là xong.
Ẩn chứa nhiều rủi ro cho người mua
Hầu hết tại những lô này đều sử dụng một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung (sổ đỏ), thậm chí, sổ đỏ đó do nhiều người đứng tên đồng sở hữu (vì chủ đầu tư mượn người dân để đăng ký).
Những “đồng sở hữu” này làm giấy ủy quyền công chứng quyền sử dụng khu đất cho một cá nhân khác, chính là người của chủ đầu tư, với nội dung cho cá nhân này gần như toàn quyền định đoạt, cho thuê, thế chấp, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, đầu tư hạ tầng giao thông, nhận đặt cọc, mua bán...
Để tránh những rủi ro về sau, người mua cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về pháp lý về thửa đất, hợp đồng phải rõ ràng (Hình minh hoạ). |
Trong vai một người có nhu cầu mua nền đất, phóng viên tìm đến một công ty có dự án tại quận 9, thì được nhân viên công ty này tư vấn, sau khi khách hàng trả hết tiền mua đất, thì công ty sẽ làm thủ tục tách thửa đất, sang tên từ người sử dụng đất hiện tại cho người mua.
“Công ty mua đất của người dân, đứng ra san lấp và làm đường. Sổ đỏ của lô đất hiện vẫn đứng tên chủ đất, khách hàng mua nền thì các bên sẽ làm hợp đồng tay ba, công ty sẽ chịu trách nhiệm nếu người đứng tên đất không chịu đứng ra tách sổ hồng cho khách”, nhân viên này giải thích.
Câu chuyện hứa sẽ có sổ đỏ riêng cho khách mua sau khoảng thời gian 3 tháng, 6 tháng…, “sau một thời gian” cũng được nhiều công ty khác áp dụng. Nhiều khách hàng nhỡ mua đất ở các “dự án” đang đứng trước nhiều rủi ro.
Đơn cử, bà Trần Tuyết Minh, sống tại quận Thủ Đức mua 1 lô đất nền ở quận 9, tới nay đã đóng 90% số tiền của mảnh đất, còn lại 10% thì khi nào công ty giao sổ mới thanh toán. Vì trong hợp đồng không ghi rõ thời gian sẽ có sổ đỏ, nên đến nay, sau 2 năm ký hợp đồng, bà Minh vẫn chưa nhận được sổ đỏ mang tên mình.
Bà cũng đã nhiều lần liên lạc tới chủ đầu tư để hỏi, thì được nhân viên tư vấn trả lời: “Do chính sách của Nhà nước thay đổi, nên hiện tại việc ra sổ chưa thể hoàn thiện được, phải chờ một thời gian nữa”.
Trường hợp như bà Minh không phải hiếm và theo các luật sư, nếu mua đất không có sổ đỏ, khi giá đất tăng cao dễ gặp phải trường hợp chủ cũ “lật kèo”, kiện ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng và trường hợp này, người mua thường thua thiệt.
Mặt khác, việc mua đất không có sổ đỏ sẽ không được cấp giấy phép xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà… Do vậy, để tránh những rủi ro về sau, người mua cần phải tìm hiểu kỹ thông tin, pháp lý về thửa đất, hợp đồng phải rõ ràng.