Lãi suất cho vay đang ở mức cao
Trong vai người đi mua nhà, cần vay vốn từ các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, PV đã liên hệ đến một số ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay, để vay được vốn mua nhà ở hoặc bất động sản nói chung là tương đối khó khăn.
Dù lãi suất đã “hạ” nhưng vẫn còn cao để người có nhu cầu mua nhà ở có thể tiếp cận.
Điển hình như, tại Vietinbank nhân viên tín dụng trên Hiền cho biết: “Hiện nay, lãi suất cho vay đang ở mức 13%/năm và không có ưu đãi nào. Mức này là thấp so với một số ngân hàng khác đang cho vay lên đến 15 - 16%/năm”.
Tương tự là tại Techcombank, nhân viên tên Hằng cho biết: “Hiện nay ngân hàng đang cố gắng giảm lãi suất, tuy nhiên, mức vay trong năm đầu tiên ưu đãi là 11%/năm, 2 năm đầu tiên là 12%/năm đến tháng thứ 25 (bắt đầu năm thứ 3), lãi suất sẽ dao động ở mức 13%/năm. Tuy nhiên, để xét được điều kiện vay với lãi suất ưu đãi, người vay cần phải chứng minh được thu nhập và lịch sử tín dụng của khách hàng”.
Hay tại MB Bank, Liên, nhân viên tư vấn tín dụng cho biết: “Lãi suất vay mới gói ưu đãi cố định 12 tháng là 10.5%, biên 3.5%”. Như vậy, mức lãi suất của MB Bank cũng ở mức 13 – 14%/năm. Hay tại TPbank, nhân viên tên Long tư vấn: “Mức lãi suất ưu đãi trong 12 tháng đầu là 12%, sang tháng 13, lãi suất = lãi suất huy động + biên độ, rơi vào khoảng 13,5%/năm”.
Theo khảo sát của PV, nhóm các ngân hàng có lãi suất trên 10%, như: Vietcombank, Vietinbank, Techcombank, HDbank, BIDV, VIB… Riêng nhóm ngân hàng có lãi suất cho vay cao nhất thị trường hiện nay rơi vào một số cái tên quen thuộc, như: PVcomBank, VPBank, HD Bank, VIB, TPbank… dao động khoảng từ 12% đến 13,5%/năm. Đặc biệt, với PVcomBank lãi suất 12%/năm chỉ áp dụng cho 6 tháng đầu, từ tháng thứ 7 trở đi sẽ tính là 15,5%/năm.
Lãi vay khi hết thời gian ưu đãi thường sẽ ở mức cao, 13-14%/năm, khiến áp lực người mua nhà khó xoay sở.
Người có nhu cầu vay mua nhà ở khó tiếp cận
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Hoàng Du (ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Chúng tôi dự định mua nhà ở quận 12, tuy nhiên, do không đủ tiền nên phải vay ngân hàng. Thực tế, đến một số ngân hàng hỏi vay để có được mức lãi suất ưu đãi là không hề dễ dàng, ví như phải có lương hoặc các nguồn cố định chuyển khoản qua ngân hàng, đây gần như là điều cố định, bắt buộc để chứng minh thu nhập, khả năng trả nợ. Thứ hai, phải có tài sản thế chấp, (dùng căn nhà dự định mua) và xem xét hồ sơ của chúng tôi có đáp ứng để vay được hay không”.
Cũng theo ông Du, việc chứng minh thu nhập thường rất khó hoặc lương không đủ hoặc các nguồn thu nhập không chuyển khoản là nguyên nhân quan trọng. Hơn nữa, nếu ở một số ngân hàng xét duyệt hồ sơ dễ thì lãi suất lại quá cao, ở mức 14 – 15%/năm, sao chúng tôi có thể trả nổi. Nên việc mua nhà ở đã khó nay càng thêm khó hơn”.
Tương tự, bà Lê Thị Kim (ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Sau thời gian hết hạn ưu đã 1 năm (chỉ ở mức 7,7%/năm) cho khoản vay mua nhà, hiện tôi đang phải trả lãi suất ở mức 13,4%/năm tại Ngân hàng MBBank, cao gần gấp đôi. Theo nhân viên tư vấn cho biết, lãi suất này sẽ bằng lãi suất thả nổi = lãi suất tham chiếu + biên độ = 10.5%+2.9%=13.4%. Đồng thời, kỳ điều chỉnh lãi suất tiếp theo vào tháng 7/2023 (3 tháng điều chỉnh một lần)”.
Đại diện một ngân hàng cho biết: “Nếu so với thời điểm trước đây (khi lãi suất còn ở mức thấp 6 - 11%/năm) thì hiện nay thị trường cho vay chưa về được mức thấp nhưng đã đỡ hơn cách đây chừng 6 tháng trước”. Từ đây, khách hàng có nhu cầu nhà ở thật vẫn rất khó tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là chứng minh được thu nhập, khả năng trả nợ và hồ sơ đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu của các ngân hàng.
Mức lãi suất ưu đãi của TPbank trong 12 tháng đầu là 12%, sang tháng 13 sẽ rơi vào khoảng 13,5%/năm.
ThS. Nguyễn Chí Thanh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng: “Lãi suất cho vay từ các ngân hàng để người mua nhà có thể tiếp cận được nguồn vốn hiện nay là rất khó khăn. Kể cả có mức ưu đãi tốt cho 1 hoặc 2 năm đầu tiên, nhưng khi hết hạn, thường người vay phải chấp nhận mức lãi suất rất cao, sẽ khiến họ phải xoay sở trong việc trả lãi.
Ví dụ, nếu năm đầu tiên, mức lãi vay cho khoản vay 1 tỷ đồng, thời hạn 20 năm thì người vay chỉ trả lãi + gốc khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng, mức lãi vay 7,8%/năm, thì nay áp dụng mức lãi suất 13 – 14%/năm, người vay phải đóng 14 – 15 triệu đồng/tháng, tăng đến gần 50%”.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần giảm lãi suất điều hành, từ đó, các tổ chức tín dụng cũng đã giảm lãi suất huy động bình quân 1% đến 1,2% và lãi suất cho vay chung trên cả hệ thống khoảng 0,5% đến 0,65%. Trong đó, các ngân hàng thương mại có mức giảm nhiều hơn, với lãi suất huy động giảm từ 1% đến 1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5% đến 2%.
Lãnh đạo NHNN đánh giá, chính sách giảm lãi suất cho vay đã góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế, phục hồi và tăng trưởng. Đồng thời, NHNN sẽ chỉ đạo, vận động các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí nhằm mục tiêu hạ mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp người dân tiếp cận nguồn vốn.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Trong điều hành, NHNN sẽ tiếp tục linh hoạt, chủ động vừa ổn định kinh tế vĩ mô vừa kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá, ổn định lãi suất…. Trong đó, nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp”.