Thứ 4, 11/12/2024, 23:51 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

“Gỡ vướng” công tác giao đất dịch vụ

“Gỡ vướng” công tác giao đất dịch vụ
(Tieudung.vn) - Hơn 16 năm qua, kể từ khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tạo quỹ đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những bất cập, vướng mắc liên quan đến việc giao đất dịch vụ cho người dân có đất sau khi bị thu hồi.

Bất cập nảy sinh

Để hoàn thành chủ trương mở rộng địa giới hành chính, toàn bộ diện tích của tỉnh Hà Tây cũ được T.Ư thống nhất sáp nhập về với Thủ đô Hà Nội. Sau khi sáp nhập, việc thực hiện một số cơ chế về thu hồi đất, GPMB phục vụ đầu tư các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng có độ “vênh” về cơ chế giữa cơ quan hành chính cấp tỉnh (tỉnh Hà Tây cũ – PV) và cấp đô thị (Thủ đô Hà Nội – PV), đó là việc chính quyền tỉnh Hà Tây thực hiện cơ chế bố trí đất dịch vụ cho những hộ dân có đất bị thu hồi để phục vụ các dự án đầu tư.

“Gỡ vướng” công tác giao đất dịch vụ

Cần có cơ chế, chính sách để giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong giao đất dịch vụ. Ảnh: Chiến Công

Căn cứ theo Quyết định 1098/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây cũ, những hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ được giao đất dịch vụ tương đương với 10% diện tích đất bị thu hồi, tối đa không quá 150m² (riêng Hà Đông là 50m²). Còn tỉnh Vĩnh Phúc thì quy định những hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ được giao đất làm dịch vụ, khi có diện tích bị thu hồi từ 40% trở lên, tại Quyết định 2502/2004/QĐ-UBND.

Chính vì có sự khác biệt trong triển khai thực hiện cơ chế thu hồi đất, GPMB nên suốt hơn 16 năm qua, hàng nghìn hộ dân ở các huyện, thị xã của tỉnh Hà Tây cũ vẫn đang mỏi mòn trông đợi những cơ chế mới, để giải quyết nhu cầu về việc nhận giao đất dịch vụ từ chính quyền để có thể ổn định và chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, những chồng chéo, bất cập về chính sách đã làm cho công tác này bị kéo dài, không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước tại địa phương, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.

Ông Đỗ Văn Hào - Tổ 2, thôn Cổ Bản, phường Đồng Mai, quận Hà Đông cho biết, năm 1993 gia đình ông được chính quyền cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất nông nghiệp với 13 nhân khẩu gồm 5 cặp vợ chồng trong đại gia đình, khi chính quyền tổ chức thu hồi đất thì gia đình ông được xét duyệt mỗi hộ 1 suất đất dịch vụ diện tích 50m2.

“Tuy nhiên, đến thời điểm này dù đã nhiều năm trôi qua nhưng quyền lợi của các hộ gia đình vẫn chưa được thực hiện. Hiện nay, gia đình của các con tôi đều đã có thêm nhân khẩu, cuộc sống vất vả phải làm nhiều nghề để mưu sinh, không có đất để chuyển đổi nghề nghiệp. Không chỉ riêng gia đình tôi, mà rất nhiều hộ gia đình xung quanh, có đất bị thu hồi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi nghề nghiệp” – ông Đỗ Văn Hào .

Qua tìm hiểu thực tế được biết, tình trạng thiếu hụt hoặc người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi mà chưa được bố trí đất dịch vụ còn xảy ra ở nhiều huyện ngoại thành Hà Nội như: Hoài Đức, Quốc Oai... mặc dù sau khi bị thu hồi đất, hầu hết các hộ gia đình đều đã được bố trí đủ diện tích đất dịch vụ. Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư mở rộng hệ thống hạ tầng kỹ thuật công cộng, giao thông... đã chồng lấn vào nhiều diện tích đất dịch vụ được bố trí trước đó, dẫn tới sự thiếu hụt, nhiều người dân không được hưởng trọn vẹn quyền lợi của mình, thậm chí có địa phương phải tổ chức bốc thăm may mắn.

Gỡ vướng từ cơ chế

Theo Trịnh Hữu Đức – Hội luật gia Việt Nam, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giao đất dịch vụ bị chậm trễ là do chính sách đất dịch vụ được hình thành từ nhiều văn bản khác nhau. Đơn cử như khoản 4 Điều 4 Nghị định 17/2006/NĐ-CP quy định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp mà không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm thông qua việc được giao đất có thu tiền sử dụng đất tại vị trí có thể làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp; mức đất được giao do UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện thực tế để quy định.

Hay tại Điều 48 Nghị định 84/2007/NĐ-CP tiếp tục thực hiện quy định như khoản 4, Điều 4 Nghị định 17/2006/NĐ-CP, nhưng bổ sung thêm nội dung: trường hợp không có nguyện vọng nhận bồi thường bằng đất làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp thì được bồi thường bằng giao đất ở có thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư hoặc tại vị trí trong khu dân cư phù hợp với quy hoạch.

“Đến năm 2009, Chính phủ lại ban hành Nghị định 69/2009/NĐ-CP bãi bỏ quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 17/2006/NĐ-CP và Điều 48 Nghị định 84/2007/NĐ-CP quy định việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án thì hỗ trợ bằng tiền từ 1,5 - 5 lần giá đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi; hoặc hỗ trợ một lần bằng một suất đất ở hoặc một chung cư hoặc một suất đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp...” – luật sư Trịnh Hữu Đức dẫn giải.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Việt Hà cho biết, nếu căn cứ theo Quyết định 1098/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây cũ việc giao đất dịch vụ không vượt quá 50m2/hộ thì vẫn nảy sinh một số bất cập, vì có nhiều hộ gia đình có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn (trên 500m2), trong khi quy định lại nêu việc bố trí đất dịch vụ cho các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi là 10% diện tích.

“Thời điểm hiện tại quận Hà Đông đã bố trí đủ quỹ đất dịch vụ, cơ sở hạ tầng cũng đã được đầu tư, cơ bản các phường đã tiến hành lên phương án, công bố công khai, niêm yết đất dịch vụ, tổ chức bốc thăm cho hộ dân… Tuy nhiên, do không đủ quỹ đất nên mức giao đất dịch vụ cụ thể tại địa bàn không đủ 10% theo quy định (phường thấp nhất 6,2%, cao nhất 8,65%), nên nhiều hộ dân hiện nay liên tục có đơn kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách” - Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Việt Hà cho hay.

Liên quan đến những bất cập về cơ chế, chính sách trong việc giao đất dịch vụ cho người dân, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, đây là một chính sách nhân văn, giúp người dân có kế sinh nhai bền vững sau khi chuyển đổi nghề nghiệp. Đặc biệt, chính sách này còn bảo đảm phần lợi ích từ chênh lệch địa tô cho người dân sau khi bị thu hồi đất, nghĩa là các dự án sau khi được đầu tư, đưa vào khai thác để hưởng lợi từ chênh lệch địa tô thì người dân cũng không bị thiệt thòi.

“Vấn đề quan trọng nhất hiện nay đó là việc thực thi chính sách, khi Nhà nước hay các chủ đầu tư đã cam kết với người dân rồi thì phải có trách nhiệm thực hiện. Vì vậy, nếu có khó khăn, vướng mắc về cơ chế thì cần phải gỡ vướng từ cơ chế để rút và xây dựng những chính sách khác tốt hơn, chứ không thể hủy bỏ hoặc thay thế chính sách này bằng những quy định khác; các quy định cần phải có sự thống nhất để giữ vững niềm tin của người dân vào chính sách” – GS.TSKH Đặng Hùng Võ nói.

Hiện nay, việc thực hiện cơ chế, chính sách về giao đất dịch vụ cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi có sự “vênh” nhau giữa các văn bản của T.Ư và giữa văn bản của T.Ư với địa phương, dẫn đến việc triển khai thực hiện có sự khác nhau, nên nhiều hộ dân chưa được nhận đất dịch vụ và nhiều hộ mặc dù đã được nhận nhưng vẫn khiếu nại. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tồn đọng từ nhiều năm qua, đề nghị Chính phủ cho phép Thủ đô được thực hiện cơ chế đặc thù theo tình hình thực tế của địa phương.
Trưởng phòng TN&MT huyện Quốc Oai Nguyễn Đắc Lực
Tags:
4.7 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá

Nhận định

Essensia Sky chứng minh sức hút từ pháp lý và đòn bẩy tài chính
(Tieudung.vn) Được khởi công từ tháng 9/2024, Essensia Sky tháp đôi căn hộ đầu tiên trong quần thể...
 
The 9 Stellars: Tâm điểm đầu tư mới tại khu Đông nhờ sóng hạ tầng metro 1
(Tieudung.vn) Tuyến metro số 1 tại TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ vận hành từ cuối tháng 12/2024,...
 
Bảng giá đất: cốt lõi để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân
(Tieudung.vn) Hiện tại, một số địa phương đã hoàn thiện việc điều chỉnh Bảng giá đất theo quy định...

Dự án – Nhà đẹp

Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội
(Tieudung.vn) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo,...
 
The 9 Stellars: Tâm điểm đầu tư mới tại khu Đông nhờ sóng hạ tầng metro 1
(Tieudung.vn) Tuyến metro số 1 tại TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ vận hành từ cuối tháng 12/2024,...
 
CaraWorld chính thức ra quân, thị trường bất động sản biển sôi động trở lại
(Tieudung.vn) Ngày 2/12/2024, tại sân Golf Long Thành (Đồng Nai), Đô thị biển CaraWorld chính thức khởi động hành...

Phong thuỷ

Những điều cần lưu ý khi mua nhà đã qua sử dụng, để tránh rủi ro
(Tieudung.vn) Để tránh rủi ro và chọn được ngôi nhà ưng ý, dưới đây là 8 lưu ý mà...
 
Nhà có nhiều cửa sổ có tốt về mặt phong thủy không?
(Tieudung.vn) Nhiều người cho rằng nhà có nhiều cửa sổ sẽ giúp đón ánh sáng tự nhiên, thông gió...
 
Nên làm gì khi thắp hương không cháy hết?
(Tieudung.vn) Theo quan niệm của người xưa, thắp hương không cháy hết là báo hiệu công việc làm ăn...
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.21442 sec| 875.906 kb