Mục đích của nghị quyết là khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường quốc tế.
Theo tờ trình của Chính phủ, chính sách thuế SDĐNN qua hơn 30 năm thực hiện cho thấy, đến nay có những quy định không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và phần lớn các nội dung hiện không còn được áp dụng trên thực tế do thi hành chính sách miễn thuế SDĐNN cho toàn bộ diện tích đến hết ngày 31/12/2025.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Chính sách thuế SDĐNN mặc dù được ban hành từ năm 1993 nhưng thực tế, từ năm 2001 đến nay, chính sách thuế SDĐNN chỉ thay đổi về quy định ưu đãi thuế (miễn, giảm), nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc miễn thuế SDĐNN thời gian qua chưa gặp vướng mắc phát sinh.
Do đó, để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế SDĐNN, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tiếp tục khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội để kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế SDĐNN theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH15 đến hết ngày 31/12/2030.
“Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2030 sẽ không làm giảm thu do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2030 thì số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình cho hay.
Theo Bộ trưởng, đây sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó giúp tạo công ăn việc làm cho người nông dân, cải thiện cuộc sống, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.
Đồng thời, chính sách nhân văn này cũng thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp.
Thẩm tra nội dung này, Uỷ ban Kinh tế và Tài chính (UBKTTC) thống nhất với đề nghị của Chính phủ. Đa số ý kiến trong Uỷ ban cho rằng, dự thảo Nghị quyết không có nội dung chính sách mới mà chỉ kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN.
Việc thực hiện miễn thuế SDĐNN có ý nghĩa quan trọng, thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và trên thực tế không gặp khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, để bảo đảm tính ổn định của chính sách, Ủy ban nhất trí với nội dung dự thảo Nghị quyết như đề nghị của Chính phủ.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cân nhắc việc không miễn thuế SDĐNN đối với các trường hợp đất để hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích phục vụ cho nông nghiệp.
Đồng thời, thực hiện đánh giá định kỳ về hiệu quả của chính sách miễn thuế SDĐNN từ các góc độ về tác động đến kinh tế nông nghiệp, đời sống nông dân và hiệu quả sử dụng đất.