Ông Dương Minh Tiến |
Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài dự kiến được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào nửa đầu năm 2025. Thế nhưng, ngay từ lúc này đã có không ít nhà đầu tư BĐS rục rịch tìm về các quận, huyện phía Tây Bắc TP săn quỹ đất, “đón sóng” đầu tư. Ông có nhìn nhận như thế nào về khả năng phát triển của thị trường BĐS ở khu vực này?
- Một “công thức” có vẻ như là luôn đúng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS là hạ tầng thúc đẩy sự phát triển trong khu vực định hướng. Thực tế ghi nhận, tốc độ gia tăng dân số trên toàn khu vực Tây Bắc TP Hồ Chí Minh ngày càng nhanh. Mật độ dân số ngày càng đông, sức ép về dân số ngày một lớn kéo theo nhu cầu nhà ở cũng ngày một lớn.
Thực tế đó khiến nhu cầu giãn dân về các quận, huyện có quỹ đất dồi dào, mật độ dân số không cao như Hóc Môn, Củ Chi, thậm chí là Long An, Bình Dương được coi là tất yếu. Vì vậy, khi các yếu tố giao thông lớn hình thành sẽ thúc đẩy việc kết nối giữa các khu vực này trở nên thuận lợi hơn và tạo nên dòng chảy đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ hơn, đồng thời tạo nên thế “chân vạc” trong phát triển kinh tế - xã hội gồm: Tây Bắc TP Hồ Chí Minh - Bình Dương và Tây Ninh. Nếu nhìn nhận ở những góc độ như vậy, việc các nhà đầu tư tìm về khu vực này, săn tìm quỹ đất, đón sóng đầu tư cũng là điều dễ hiểu.
Vậy theo ông, đâu sẽ là lợi thế của thị trường BĐS khu vực Tây Bắc TP Hồ Chí Minh?
- Quỹ đất dồi dào và giá mềm có lẽ là hai lợi thế nổi bật của thị trường BĐS khu vực Tây Bắc nói riêng, các huyện ngoại ô TP nói chung. Thực tế cho thấy, trong khoảng 3 năm qua, trong khi các khu vực vùng ven của TP Hồ Chí Minh như quận 9, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh… giá nhà đất tăng chóng mặt, thì giá nhà đất tại các quận, huyện thuộc khu vực Tây Bắc TP vẫn tương đối êm đềm.
Nếu so với các quận, huyện khác, khu vực phía Tây Bắc quỹ đất phát triển đô thị còn khá lớn và giá đất vẫn còn khá thấp so với nhiều khu vực lân cận. Điều này tạo ra “vùng trũng” trong đầu tư BĐS, đồng thời là cơ hội “mua nhà Sài Gòn” cho rất nhiều đối tượng, đặc biệt là đối với những người dân nhập cư.
Ở một khía cạnh khác, khu vực Tây Bắc đang dần hình thành những khu công nghiệp quy mô lớn, thu hút một lực lượng lao động lớn đến làm việc và sinh sống. Đây cũng là một “nguồn cầu” không nhỏ của thị trường BĐS.
Với nhiều lợi thế như vậy, phải chăng là đã đến thời của BĐS khu vực Tây Bắc, thưa ông?
- Nếu nhìn lại chu kỳ phát triển BĐS từ năm 2007 đến nay có thể thấy, hầu hết các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh ngày càng khan hiếm quỹ đất phát triển đô thị do tốc độ phát triển kinh tế, dân cư và nhất là tốc độ phát triển của số dân nhập cư từ các tỉnh, thành khác về cao. Theo nguyên lý vết dầu loang, khu vực Tây Bắc, với tiềm năng lớn, hứa hẹn sẽ là điểm đến của những nhà đầu tư lớn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nếu nói “đã đến thời của BĐS Tây Bắc” có vẻ hơi vội vàng. Hạ tầng, giao thông không phải “cây đũa thần” để làm thay đổi diện mạo một vùng đất hoặc để ngay lập tức tạo nên những khu đô thị đẳng cấp. Thị trường BĐS Tây Bắc TP Hồ Chí Minh rất giàu tiềm năng, quỹ đất lớn và giá mềm. Tuy nhiên, để khu vực này phát triển rất cần những định hướng đúng đắn và những nhà đầu tư có tiềm lực, có tâm, có tầm…
Xin cảm ơn ông!