Thị trường ảm đạm
Đất nền vùng ven TP Hồ Chí Minh từng được xem là kênh đầu tư "hái ra tiền" của giới địa ốc trong giai đoạn 2017 - 2019. Tuy nhiên, đến khoảng giữa năm 2019 phân khúc này bắt đầu có dấu hiệu chững lại và có xu hướng đi xuống. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường đất nền vùng ven TP Hồ Chí Minh lộ rõ những dấu hiệu "xì hơi" khi lượng giao dịch liên tục giảm mạnh. Theo báo cáo của Savills Việt Nam, trong quý III/2020 chỉ 170 sản phấm đất nền tại TP Hồ Chí Minh được bán, mức thấp nhất kể từ năm 2016, giảm 70% theo quý và giảm 64% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ bình quân giảm tương ứng chỉ còn 37%.
Dữ liệu thống kế của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, dù nguồn cung đất nền mới ở các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh vẫn dồi dào nhưng tỷ lệ giao dịch lại rất thấp, mức độ quan tâm của nhà đầu tư cũng giảm đáng kể từ 1,5 - 4 lần so với năm 2019. Theo đó, những tháng đầu năm 2020, sức tiêu thụ tại các thị trường đất nền chính như Bình Dương, Long An, Đồng Nai đều trên đà giảm mạnh. Lượt quan tâm tìm mua đất nền tại Bình Dương giảm 3,5 lần, Đồng Nai giảm 1,5 lần, Long An giảm 4 lần và TP Hồ Chí Minh giảm 3,6 lần. Lượng sản phẩm giao dịch thành công giảm từ 3 - 5 lần so với quý II/2019.
Một dự án đất nền vùng ven TP Hồ Chí Minh đang trong quá trình san lấp mặt bằng. Ảnh: Tiểu Thủy |
Cụ thể, Bình Dương có đến 9 dự án đất nền mở bán, cao nhất trong các tỉnh nhưng lượng tiêu thụ chỉ đạt 45%. Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 5 dự án đất nền mở bán nhưng chỉ có 35% trong số đó được tiêu thụ. Tương tự, tại Đồng Nai dù nguồn cung hạn chế ở mức hai dự án nhưng cũng chỉ tiêu thụ được khoảng 55%. Long An là thị trường có sức mua thấp nhất, không đến 11% sản phẩm rao bán được khách hàng tìm mua.
Nghiên cứu mới nhất của Công ty DKRA Việt Nam cũng ghi nhận, mức giá đất nền bắt đầu giảm khoảng 5 - 15% tùy từng khu vực nhưng mức độ hấp thụ giao dịch vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Xu hướng giảm giá này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng cuối năm 2020.
Nhà đầu tư “chùn tay”
Dự báo, việc giảm giá của phân khúc đất nền vùng ven TP Hồ Chí Minh còn duy trì sang năm 2021. Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ bắt đầu nản chí và dần chuyển qua kinh doanh các mặt hàng khác thay vì đổ tiền vào đất nền như trước đây. Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Thanh Huy (trú 390/59 Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận 3, TP Hồ Chí Minh) – một nhà đầu tư cá nhân nhiều kinh nghiệm đánh giá, sự sụt giảm giao dịch đất nền đến từ nhu cầu mua bất động sản giảm mạnh. Trong đó, không thiếu những nhà đầu tư ưu tiên giữ tiền để phòng tránh rủi ro. “Không chỉ với đất nền, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, ngoại tệ, vàng cũng có dấu hiệu chuyển về trạng thái phòng ngự” - anh Nguyễn Thanh Huy nói.
Hơn 10 năm mua bán đất nền, chị Ngô Thị Kim Dung (ngụ 22 Phạm Văn Chí, phường 8, quận 6, TP Hồ Chí Minh) cho biết, thực tế hiện nay có nhiều nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ, thậm chí bán tháo ra thị trường. “Những nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy tài chính vẫn có thể cầm cự, đợi thị trường hồi phục. Khó khăn chỉ thực sự diễn ra với nhà đầu tư phải vay vốn ngân hàng trước áp lực lãi suất có thể nuốt chửng khoản đầu tư” - chị Ngô Thị Kim Dung phân tích.
Theo một số nhà đầu tư, thị trường bất động sản vùng ven TP Hồ Chí Minh thời gian qua liên tục xuất hiện những thông tin về rao bán dự án thiếu pháp lý, dự án phân lô bán nền trái phép, thậm chí không tồn tại trong quy hoạch. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư, “chùn tay”, e dè trước mọi quyết định mua và bán. Đáng chú ý nhất là sự thay đổi trong tiêu chí lựa chọn đầu tư vào đất nền vùng ven. Cụ thể, nếu như trước đây, hai tiêu chí được khách hàng quan tâm nhất là vị trí và hạ tầng, thì hiện nay vấn đề pháp lý cũng rất quan trọng.