Long an “vượt mặt” Bình Dương
Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP Hồ Chí Minh và các vùng lân cận quý I của DKRA Vietnam cho thấy, nguồn cung phân khúc đất nền tại thị trường TP và các tỉnh giáp ranh giảm nhẹ, tuy nhiên tỷ lệ tiêu thụ tăng 37% so với quý trước.
Thị trường đất nền vùng ven TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vị thế chủ lực
Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay, tại TP và các tỉnh giáp ranh chào đón khoảng 7 dự án mở bán (3 dự án mới và 4 giai đoạn tiếp theo của dự án đã mở bán trước đó) cung cấp gần 1.300 nền, (bằng 96% quý trước). Lượng tiêu thụ đạt khoảng 1.146 nền, xấp xỉ 88% tổng nguồn cung mở bán được thị trường đón nhận, bằng 137% so với quý IV/2020 (837 nền).
Trong đó, nếu chỉ tính riêng TP, thị trường đất nền dự án tiếp tục không ghi nhận nguồn cung mới. Giao dịch hiện tại chủ yếu tập trung ở nguồn hàng tồn kho hoặc dự án đất dân hộ lẻ, quy mô nhỏ, do cá nhân tự đứng ra phân lô tách thửa để bán. Sức cầu chung toàn thị trường TP ở mức trung bình, không có nhiều biến động. Và khi quỹ đất sạch tại TP ngày càng khan hiếm, thị trường đất nền vùng ven tiếp tục giữ vị thế chủ lực. Trong đó, Long An dẫn đầu nguồn cung và lượng tiêu thụ mới toàn thị trường.
Cụ thể, Long An hiện đang trở thành đề tài nóng hổi đối với các tập đoàn bất động sản lớn cũng như nhà đầu tư cá nhân. Thị trường bất động sản các khu vực giáp ranh TP Hồ Chí Minh như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc đều đang diễn ra sôi động. Tuy nhiên, các nghiên cứu thị trường đều chỉ ra rằng mặt bằng giá bất động sản Long An vẫn còn thấp hơn nhiều so với Bình Dương hay Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu.
"Chưa thấy sốt đất hay giá ảo trong giai đoạn này. Nguồn cung mới giảm nhưng sức cầu thị trường tăng. Long An chính thức "vượt mặt" Bình Dương và Đồng Nai để dẫn đầu vươn lên dẫn đầu thị trường. Những dự án có pháp lý và cơ sở hạ tầng ổn thì nhận quan tâm lớn và người đầu tư quan tâm", ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc R&D DKRA Việt Nam cho hay.
DKRA Việt Nam dự báo, trong 3 tháng tới, đất nền vẫn tiếp tục là kênh đầu tư được chọn lựa hàng đầu. Nguồn cung mới của quý II/2021 có thể sẽ tăng so với quý trước, xu hướng thể hiện rõ ở những dự án đã hoàn thiện pháp lý, cơ sở hạ tầng và tập trung chủ yếu ở các tỉnh giáp ranh. Sau những sôi động ồn ào ở quý I, thị trường thứ cấp quý II có thể sẽ không có nhiều biến động bao gồm cả về mặt bằng giá.
"Vắng bóng" căn hộ bình dân
Bên cạnh phân khúc đất nền, theo DKRA Việt Nam, thị trường căn hộ cũng đang ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm gần một nửa so với quý IV/2020.
Căn hộ hạng C (dưới 32 triệu/m2) tiếp tục vắng bóng trên thị trường
Cụ thể, quý I/2021, giá bán căn hộ ở một số quận cũ tại khu đông TP tăng mạnh và xác lập mặt bằng giá mới, nhiều dự án chạm ngưỡng hạng sang. Nguồn cung mới chủ yếu tập trung ở căn hộ hạng A, thị trường tiếp tục thiếu vắng sản phẩm căn hộ hạng C.
Giao dịch thứ cấp ở mức trung bình chưa có nhiều đột biến, mặt bằng giá bán thứ cấp có chuyển biến tích cực vào cuối quý, giao dịch tập trung ở những dự án đã bàn giao nhà hoặc đã có sổ.
Nhìn rộng ở thị trường bất động sản căn hộ tại TP và 4 tỉnh giáp ranh (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An) trong quý I, thị trường đón nhận khoảng 13 dự án mở bán. Nguồn cung mới đưa ra thị trường ước đạt khoảng 5.515 căn, bằng 51% so với quý IV/2020.
Còn về giá, theo DKRA, chỉ trong vòng 7 năm (2013 - 2020), giá chung cư bình dân (căn hộ hạng C) đã tăng khoảng 100% từ khoảng 16 triệu đồng/m2 lên trên 30-32 triệu đồng/m2. Không những vậy, các dự án căn hộ nhóm này trong 3 năm trở lại đây ngày càng khan hiếm và thậm chí đang biến mất trên thị trường.
Đến quý 1/2021, các mức giá nói trên lại tiếp tục tăng 5-10% so với giá của năm 2020. Không chỉ căn hộ dưới 30 triệu đồng/m2, mà ngay cả những căn hộ dưới 35 triệu đồng/m2 cũng trở nên khó kiếm ở TP, khi mà giá căn hộ tại Bình Dương, Đồng Nai cũng đã ở mức 33-45 triệu đồng/m2.
Riêng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung tăng trưởng mạnh ở loại hình biệt thự biển (3,2 lần) và condotel (7,4 lần) so với quý trước. Còn nhà phố, shophouse có sự sụt giảm nguồn cung khoảng 60%.
DKRA nhận định, thị trường Bình Dương có dấu hiệu chững nhẹ sau một thời gian tăng trưởng nhanh chóng về cả nguồn cung và giá bán vào năm 2020. Sức cầu của thị trường Bình Dương dự kiến có xu hướng giảm so với cuối 2020, một phần do sự cạnh tranh và dấu hiệu phục hồi nguồn cung mới của thị trường TP. Trong khi đó, Đồng Nai thu hút tốt sự quan tâm của nhà đầu tư với một dự án mở bán tại TP Biên Hòa, chiếm 20% tổng nguồn cung của TP và 4 tỉnh giáp ranh.