Làm sao để người thu nhập thấp có nhà là bài toán khó cho các nhà quản lý (Ảnh minh hoạ). |
Nhà siêu rẻ nhờ đất “cho không”
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết, cơ cấu giá bán căn hộ bao gồm: Tiền bồi thường đất, tiền sử dụng đất, cơ sở hạ tầng, san lấp đường sá, cống rãnh, điện nước, chi phí xây dựng, chi phí thiết kế, chi phí tài chính (vay ngân hàng) và những chi phí khác. Muốn giảm giá thành căn hộ thì giảm tất cả giá thành của những yếu tố nói trên.
Cũng theo ông Nghĩa, có nhiều thông tin thành phố mới gần TP Hồ Chí Minh, làm nhà 100 triệu đồng, nhưng thực chất đó chỉ là giá của một vài căn có giá thấp nhất, còn lại các căn hộ khác có giá đắt hơn, khoảng 120 - 150 triệu đồng.
“Đặc trưng của TP Hồ Chí Minh và địa phương này là khác nhau. Một bên là một tỉnh hay một thành phố mới, đất trống rất nhiều và giá đất rất rẻ. Còn TP Hồ Chí Minh hiện nay, không thể kiếm đâu ra đất cho không. TP Hồ Chí Minh là một thành phố lâu đời và giá đất rất đắt đỏ, cho nên giá thành căn hộ tăng lên là chuyện đương nhiên” - ông Nghĩa nói.
Về câu chuyện tại sao lại xây được nhà siêu rẻ, ông Nghĩa cho rằng, trong quá trình quy hoạch khu công nghiệp, người ta đã quy hoạch sẵn dự án nhà ở cho công nhân và họ cũng đã tính chi phí hết rồi. Đất đó được cho không để doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân. Đất đó cũng được làm hạ tầng, đường sá, được tráng nhựa, điện nước đầy đủ, doanh nghiệp không phải tốn tiền đất và hạ tầng nữa. Ngoài ra, chi phí xây dựng giảm xuống được vì đất ở đó rất tốt. Như vậy, giá thành căn hộ từ đó giảm theo.
TP Hồ Chí Minh sẽ có nhà 200 – 300 triệu nếu…
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, thực tế, nếu làm căn hộ giá rẻ thì giá thành xây dựng căn hộ chiếm khoảng 80% giá bán. Còn nếu làm căn hộ cao cấp thì giá thành xây dựng chỉ chiếm 20% giá bán. Do đó, muốn có căn hộ giá rẻ thì phải giảm giá thành xây dựng xuống mức thấp nhất.
Thực tế tại TP Hồ Chí Minh, ông Đực cho rằng, vẫn thiếu sự toàn tâm toàn ý của lãnh đạo để làm nhà ở giá rẻ và sự thống nhất từ trên xuống dưới trong các sở, ban, ngành. Hiện tại, TP Hồ Chí Minh vẫn quyết định cho người nghèo sống chung với người giàu khi bắt buộc các doanh nghiệp phải dành 20% đất dự án làm nhà ở xã hội. TP Hồ Chí Minh cũng không chấp nhận các khu đô thị tập trung, với cơ cấu căn hộ nhỏ, cho người nghèo ở với nhau.
Theo ông Đực, nếu hỗ trợ tối đa, Nhà nước giải quyết tiền sử dụng đất, làm hạ tầng, lãi vay ngân hàng… TP Hồ Chí Minh có thể làm căn hộ diện tích nhỏ giá khoảng 200 – 300 triệu đồng. Khi đó, doanh nghiệp chỉ lo việc xây dựng căn hộ mà không phải lo nhiều chi phí khác.
Vượt qua định kiến “nhà ổ chuột”
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), phân tích: “Căn hộ 30m2, cho 2 vợ chồng thì bình quân mỗi người 15m2, nếu gia đình có 4 người thì diện tích mỗi người chỉ có khoảng 7.5m2… thấp hơn so với bình quân nhiều nơi. Nhưng để giải quyết nhu cầu ở thì phải vượt qua được định kiến bảo rằng như vậy là ổ chuột quá”.
“Đi thăm 1 khu nhà ở an sinh xã hội giá rẻ, đã đi vào hoạt động, thì cái 30m2, thứ nhất họ xây dựng 100% là 20m2 sàn và 10m2 gác lửng, được xây rất hoàn chỉnh, có chỗ phơi đồ, đặt máy giặt…Tôi đã xem rất kỹ cái bố trí căn hộ của họ rất hợp lý. Như vậy cái chỗ làm sao ổ chuột nếu mình quản lý tốt. Tôi rất phản đối cách nhìn đó.
Vấn đề không phải diện tích bình quân là bao nhiêu mà vấn đề là phải có chỗ ở đàng hoàng cho người dân. Mà người dân đó không phải là người giàu, bởi người giàu người ta tự lo chỗ ở được. Người chưa lo chỗ ở được là những người có thu nhập trung bình thấp và người thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư… Nên vấn đề đầu tiên là trách nhiệm xã hội phải lo chỗ ở cho người dân và điều này đã được ghi trong hiến pháp là quyền có chỗ ở của công dân” – ông Châu nói.