Chủ đầu tư được ưu ái?
Như Tieudung.vn đã thông tin trong bài viết trước, dự án Lấn biển tạo Khu dân cư – thương mại – dịch vụ mới La Gi (tên thương mại là Queen Pearl Marina Complex), phường Phước Lộc, Thị xã La Gi hiện đang được chủ đầu tư Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại và Dịch vụ Vi Nam (Công ty Vi Nam) tiến hành san lấp mặt bằng. Mặc dù chưa đủ điều kiện pháp lý và công trường còn nhiều ngổn ngang, đơn vị môi giới dự án - Công ty CP DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam) vẫn bất chấp rao bán rầm rộ, nhận tiền đặt cọc của khách hàng.
Được biết, từ năm 2005 dự án Queen Pearl Marina Complex đã được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận đầu tư với diện tích 332.678,17 m2 (có rất nhiều hộ dân trong khu vực bị giải tỏa trắng). Tuy nhiên, kéo dài hơn 10 năm chủ đầu tư không hề triển khai dự án.
Đến tháng 11/2016, dự án chưa đủ điều xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn tổ chức thi công. Lúc này Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận lại có văn bản đồng ý cho chủ đầu tư thực hiện với lý do chủ đầu tư đã cam kết chỉ làm lễ động thổ cho phù hợp với phong tục tập quán tín ngưỡng của người Việt Nam.
Bên trong dự án quá trình thi công đang diễn ra rầm rộ bất chấp việc nhiều hộ dân vẫn chưa được giải quyết bồi thường. |
Những tưởng dự án sẽ được triển khai nhưng một lần nữa tiếp tục dậm chân tại chỗ. Đến tháng 4/2017 thì UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định điều chỉnh quy hoạch dự án chỉ còn 161.756 m2. Đồng nghĩa với việc phần lớn diện tích của dự án là đất sạch (nếu không tính phần bồi thường cho các trang trại làm mực cho người dân) và giao Công ty Vi Nam tiếp tục làm chủ đầu tư.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, Luật sư Lê Ngô Trung, Luật sư cao cấp của Hãng luật Vega cho biết, tại điều 64 của Luật Đất đai quy định rõ, đất được Nhà nước giao, cho thuê mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án thì chủ đầu tư được gia hạn thêm 24 tháng nhưng phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng mức tiền sử dụng đất, thuê đất. Nếu hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.
Vậy sau hơn 10 năm không triển khai dự án vẫn không bị thu hồi, câu hỏi đặt ra là có hay không việc chủ đầu tư được ưu ái tại dự án Queen Pearl Marina Complex?
Dân khóc vì chưa được bồi thường, hỗ trợ di dời
Ông Trần Công Ninh (47 tuổi, ngụ khu phố 3, phường Phước Lộc, thị xã La Gi) cho biết, hiện trên dự án Queen Pearl Marina Complex ông đang có 3 trại làm mực với tổng diện tích khoảng 300m2. Cách nay khoảng 10 năm chính quyền địa phương thông báo khu vực này đã quy hoạch làm dự án khu dân cư thương mại kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá đề nghị gia đình ông di dời đến nơi khác nhưng không nhắc gì đến việc hỗ trợ, đền bù.
Tương tự trường hợp của ông Ninh, bà Trương Thị Ni hiện có 2 trại làm mực trong khuôn viên dự án, với tổng diện tích 150m2 nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ, đền bù bất kỳ đồng nào từ khi dự án được triển khai xây dựng.
Những trại sơ chế và phơi mực còn xót lại của các hộ dân ở KP 4, phường Phước Lộc, thị xã La Gi. |
Không chấp nhận gia đình bà Ni nhiều lần khiếu nại thì được chính quyền địa phương giải thích rằng đây là đất công, và vì gia đình bà xây dựng trái phép nên không đền bù. “Trại mực của nhà tôi dựng lên từ khoảng năm 1985. Từ đó đến nay cơ quan chức năng chưa bao giờ xử phạt tôi xây dựng trái phép, sao có thể nói tôi chiếm đất của nhà nước. Tôi đã nhiều lần xin cấp giấy chủ quyền nhưng họ không chịu”, bà Ni phản bác.
Vừa khóc, bà Phạm Thị Tin vừa kể lại: “Trước đây nhà tôi có 2 trại làm mực khoảng 400 m2, nhiều lần chính quyền đến yêu cầu gia đình tôi di dời để nhường đất lại cho doanh nghiệp làm dự án nhưng không được đồng ý. Vậy là, trong một lần tôi đi vắng họ đã san ủi, lấp luôn trang trại. Tôi khiếu nại nhiều lần nhưng đều bị ngó lơ”.
Đại diện chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Lộc, ông Nguyễn Văn Được cho biết, với những hộ dân có trại sơ chế và phơi mực trên đất dự án, UBND tỉnh Bình Thuận đã có chỉ đạo cho UBND Thị xã La Gi thực hiện di dời. Trên cơ sở đó, UBND phường Phước Lộc đã mời các hộ dân này lên làm việc. Qua khảo sát của UBND phường Phước Lộc, có 22 hộ dân có tài sản (gồm nhà tạm, trại mực, hầm xây đá) trên đất dự án. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 14 hộ khiếu nại.
Theo ông Được, giai đoạn từ năm 2007 - 2011 trước tình trạng xâm thực của nước biển có 11 hộ dân khác có nhà bị ảnh hưởng đã được địa phương bố trí tái định cư tại khu tái định cư Triều Cường 2, hiện đã ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Ngô Trung, Luật sư cao cấp của Hãng luật Vega cho biết: “Khoản 2, điều 89, Luật Đất đai 2013 quy định rõ, đối với nhà ở hoặc công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi nhà nước thu hồi đất mà bị tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần thì được bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp tại dự án Queen Pearl Marina Complex cần làm rõ mốc thời gian các trại mực của người dân dựng lên trước hay sau khi UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định thu hồi đất giao cho chủ đầu tư để từ đó xác định cơ sở đền bù”.
Điều này đồng nghĩa với việc, nếu UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định thu hồi đất để giao cho Công ty Vi Nam thực hiện dự án Queen Pearl Marina Complex sau thời điểm các hộ dân dựng trại sơ chế và phơi mực thì cần phải xem xét chính sách bồi thường thiệt hại về tải sản để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.