Tại một cửa hàng chuyên bán đặc sản miền Tây trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, thịt chuột được chia làm nhiều loại như chuột cơm lột da, chuột nhum để da, khô chuột ướp sả ớt, thịt chuột tươi làm sẵn chưa ướp gia vị. Loại thịt tươi có giá 150.000 đồng/kg, chuột khô có giá 170.000 đồng/kg. Cửa hàng này cũng mở nhiều gian hàng bán thịt chuột trên các trang thương mại điện tử.
Hiện giờ không phải là mùa bắt chuột ở các địa phương nên chuột đồng khá hiếm, nhưng lượng thịt chuột ở cửa hàng này vẫn khá nhiều, chất đầy cả tủ đông loại lớn. “Do bên em chuyên cung cấp sỉ cho các điểm bán khác nên sản phẩm không dán nhãn mác để cửa hàng khác dễ bán lại. Thịt chuột bán rất chạy vì nhiều người dùng làm quà biếu”, nhân viên cửa hàng này giải thích.
Thịt chuột không nằm trong danh mục phải kiểm dịch nên cơ quan thú y không quản lý.
Bà Nguyễn Thị Mến - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết, trách nhiệm kiểm dịch thịt động vật thuộc cơ quan thú y. Chuột là động vật nhưng việc giết mổ, quy trình kiểm dịch không được quy định như các loại động vật khác (heo, bò, gà, vịt…). Thịt chuột không nằm trong danh mục phải kiểm dịch nên cơ quan thú y không quản lý. “Kiểm dịch một sản phẩm thịt động vật để đưa ra xã hội thì phải kiểm dịch tất cả các bệnh lây truyền. Hiện chưa có quy định kiểm dịch đối với thịt chuột trong khi đây là loài động vật có rất nhiều dịch bệnh, ẩn chứa nhiều nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng”, bà Mến nói.
Theo ông Lê Việt Bảo - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh - chuột không phải là vật nuôi mà là sinh vật hại, nên chi cục không quản lý. Việc quản lý thuộc về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Còn nếu dùng chuột làm thực phẩm thì trách nhiệm quản lý thuộc về ban quản lý an toàn thực phẩm hoặc UBND quận, huyện (quản lý việc kinh doanh). Trong khi đó, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh - lại cho rằng có những sản phẩm không được phép bán nhưng vẫn được bán đầy trên các trang thương mại điện tử, chẳng hạn kem trộn. Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh chỉ quản lý thịt và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm, ban không quản lý thịt chuột.
Sản phẩm thịt chuột đồng không có nhãn mác được bán tại một cửa hàng ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.
Nói về mối nguy từ thịt chuột, tiến sĩ Phan Thế Đồng (bộ môn công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, Trường đại học Hoa Sen) cho biết thịt chuột đang được bán trên thị trường không rõ chuột cống hay chuột đồng, nhưng chuột gì cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại. Môi trường sống của chuột cống rất ô nhiễm nên trong thịt chuột thường chứa nhiều vi sinh gây hại đường ruột như E.coli, salmonella, các loại ký sinh trùng amip, các loại giun sán… dễ gây ngộ độc hoặc nhiễm các ký sinh trùng. Chuột đồng sống trong lúa nhưng hiện nay người ta không dùng lờ, đó để bắt chuột mà thường dùng thuốc để bẫy. Nếu ăn phải thịt chuột bị trúng thuốc, có thể bị ngộ độc cấp gây nôn ói, chóng mặt, nhức đầu, bị những di chứng lâu dài.
“Chuột không được xem là thực phẩm nên không cơ quan nào quản lý và không có tiêu chuẩn an toàn nào cho thịt chuột. Chuột không được chấp thuận cho buôn bán như thực phẩm nên việc kinh doanh thịt chuột làm thực phẩm là sai quy định. Nhưng do không ai kiểm tra, xử lý vi phạm nên người ta vẫn cứ bán tràn lan”, Tiến sĩ Phan Thế Đồng nhận xét.